Vào mùa thu mươi năm trước, tôi nhận được quà tặng của Học trò: Cuốn chuyên khảo Quan hệ công chúng – Lý luận và thực tiễn, mà Chị là tác giả, TS chuyên ngành Quan hệ công chúng Nguyễn Thị Thanh Huyền (Sogang University, Seoul, Korea). Mươi năm rồi nhưng cuốn này vẫn “mới”, bởi chưa có cuốn nào tương tự khiến nó bị mờ đi.
Dù là sách chuyên khảo nhưng có lẽ ý thức được rằng ngành Quan hệ công chúng ở nước ta còn chập chững nên tác giả vẫn dành một Nhập môn cần thiết ngõ hầu hữu ích cho đông đảo công chúng muốn tiếp cận ngành học này, thậm chí cho nhiều giảng viên đang được gọi là giảng viên dạy ngành quan hệ công chúng ở nhiều trường. Điều đáng quan tâm nhất ở chương này là tác giả đã hoá giải những nhầm lẫn bấy lâu của khá nhiều người, trong đó có cả những người làm/ học/ dạy marketing và một số người làm báo. Đó là phân biệt quan hệ công chúng với marketing, với báo chí và với quảng cáo (tr.39-56).
Hai chương linh hồn của chuyên khảo này là, chương 3 Mô hình tổ chức và hoạt động quan hệ công chúng, và chương 4, Quy trình hoạt động quan hệ công chúng. Tên hai chương này tự chúng đã nói lên tính cần yếu về kiến thức tại đây cho những ai muốn đọc để làm và để học ngành Quan hệ công chúng. Những kiến thức này được tác giả trình bày không khô cứng bởi chúng được lồng ghép hợp lý với lý thuyết của nhiều học giả đầu ngành cũng như với tư liệu và số liệu minh hoạ sinh động từ công ty, tập đoàn ở những nước có ngành quan hệ công chúng phát triển từ rất sớm.
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đề cập đến đạo đức và tính chuyên nghiệp trong quan hệ công chúng (tr.214-236) như là một phần cấu thành cốt lõi của chuyên khảo này.
Chuyên khảo này cũng có thêm một bức tranh khá đồ sộ về Sự hình thành và phát triển quan hệ công chúng trên thế giới (tr.61-111). Tuỳ vào người đọc, riêng tôi, mục viết về “Một số nhân vật tiêu biểu trong lịch sử quan hệ công chúng thế giới” có sức hút riêng, bổ khuyết đáng kể cho sự tìm hiểu của mình từ những năm tháng đầu quan tâm đến ngành này. Bên cạnh thế giới, Tác giả cũng kịp dành một phần nói đến Quan hệ công chúng ở Việt Nam.
Cuốn sách tăng phần thú vị khi sau mỗi chương đều có những câu hỏi thảo luận.
Sách do Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội ấn hành 2014.
Vũ Quang Hào