Võ Việt Tiến – chàng sinh viên Khoa Truyền thông sáng tạo đam mê sản xuất phim ngắn

“Mình thích cảm giác được cuốn vào một câu chuyện, đồng cảm với nhân vật, rồi khi phim kết thúc vẫn còn suy nghĩ về nó”– Võ Việt Tiến, sinh viên năm hai ngành Truyền thông đa phương tiện, Khoa Truyền thông sáng tạo,Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chia sẻ về đam mê làm phim ngắn. Từ những ngày mày mò quay chụp bằng điện thoại ở quê, Tiến đã biến tình yêu với ống kính thành hành trình sáng tạo đầy cảm hứng. Không chỉ dừng lại ở việc học, chàng trai này còn cùng nhóm bạn lập kênh YouTube, đầu tư thiết bị, tham gia dự án chuyên nghiệp như MV ‘Cái Muôi’ của Yuno BigBoy hay OST ‘Dù Con Đã Lớn Khôn’ của Lật Mặt 7. Với Tiến, làm phim không chỉ là đam mê mà còn là cách kể chuyện, lan tỏa thông điệp. Hãy cùng khám phá hành trình của sinh viên mê phim này qua bài phỏng vấn dưới đây.

Võ Việt Tiến trong một lần tác nghiệp nghề

PV: Chào Võ Việt Tiến! Là sinh viên năm 2 ngành Truyền thông đa phương tiện tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, điều gì đã khiến bạn chọn khoa Truyền thông sáng tạo và học tập tại đây?

Võ Việt Tiến: Ngay từ khi còn học cấp 3, mình đã rất thích sáng tạo nội dung, đặc biệt là làm video và kể chuyện bằng hình ảnh. Khi tìm hiểu về ngành Truyền thông đa phương tiện, mình thấy đây là lĩnh vực rất rộng, vừa có thể làm về báo chí, truyền thông số, vừa có thể phát triển theo hướng sản xuất phim. Vậy nên mình quyết định chọn Khoa Truyền thông sáng tạo của trường vì nó đúng với định hướng của mình.

PV: Bạn được biết đến với niềm đam mê đặc biệt trong việc sản xuất phim ngắn. Đâu là nguồn cảm hứng ban đầu khơi dậy tình yêu này?

Võ Việt Tiến: Có lẽ bắt đầu từ khi mình học cấp 3, khi có những sự kiện ở quê, các bác các chú đến quay phim chụp ảnh, rồi những lần có đoàn phim từ đài truyền hình về ghi hình. Mình bắt đầu chú ý và tự hỏi bên trong ống kính máy quay đó có gì, làm sao để sử dụng nó. Từ đó, mình tự tìm tòi, học hỏi dần dần, rồi thấy thích thú và đam mê với những tấm ảnh đẹp, những đoạn video ngắn do chính mình tạo ra. Ban đầu, mình tập quay chụp bằng điện thoại, lúc mới bắt đầu tự học thì thấy rất khó và rối. Sau khi gặp được các anh chị làm nghề đi trước, mình xin đi theo để học hỏi thêm kinh nghiệm, rồi dùng tháng lương đầu tiên để mua một chiếc máy ảnh cũ thực hành. Mình thường lên mạng tìm hiểu kiến thức liên quan đến nhiếp ảnh, cách làm chủ thông số máy ảnh, học về bố cục, ánh sáng, và những thứ liên quan đến phim ảnh qua các video trên YouTube do các anh chị trong nghề chia sẻ. Trong quá trình đi làm, mình cũng kết nối được với nhiều anh chị và bạn bè có chung niềm đam mê. Mình thường xuyên xem phim, từ phim truyện Việt Nam đến điện ảnh nước ngoài, không chỉ với tư cách khán giả mà là một nhà sản xuất để phân tích cách ekip thực hiện từng cảnh quay. Mình thích cảm giác được cuốn vào câu chuyện, đồng cảm với nhân vật, rồi khi phim kết thúc vẫn còn suy nghĩ về nó. Sau này, khi tự cầm máy quay, tự dựng những video đầu tiên, mình mới hiểu rõ hơn niềm vui của việc tạo ra sản phẩm chạm đến cảm xúc người khác.

PV: Việc tự xây dựng một kênh cho team của mình – toàn là sinh viên – chắc hẳn không dễ dàng. Bạn có thể chia sẻ hành trình lập kênh và những khó khăn mà team đã vượt qua không?

Võ Việt Tiến trong một buổi tác nghiệp cùng team trong các sự kiện

Võ Việt Tiến: Đúng vậy! Lúc đầu, ai cũng chỉ có một chút kỹ năng riêng lẻ: người biết quay, người biết dựng, người viết kịch bản… Nhưng quan trọng là tụi mình đều có chung mục tiêu. Ban đầu, thiếu đủ thứ: thiết bị, kinh phí, kinh nghiệm… Có lúc cả nhóm bị bí ý tưởng, rồi nản, không muốn tiếp tục hoàn thành dự án. Nhưng tụi mình tự động viên nhau, phải làm mới biết mình thiếu gì, sai ở đâu để rút kinh nghiệm cho lần sau. Có những lúc tới deadline, các bạn cùng ngồi lại hỗ trợ nhau hoàn thành những phần còn dang dở. Như một tập phim ngắn nhóm mình đã làm với kinh phí 1 triệu, tụi mình sử dụng hết tài nguyên và nguồn lực có sẵn để hoàn thành trong 5 ngày. Tụi mình họp lại, bàn về kịch bản, ý tưởng, rồi dùng 3 ngày quay liên tục và 2 ngày dựng. Vì kinh phí hạn hẹp, tụi mình cố gắng hoàn thành trong thời gian ít nhất, nhưng cũng vì thế mà gặp vài khó khăn. Nhờ sự kiên trì và tinh thần làm việc nhóm, tụi mình từng bước cải thiện. Khó nhất là làm sao vừa duy trì sản xuất video đều đặn, vừa đảm bảo chất lượng nội dung.

 PV: Tự đầu tư thiết bị quay hiện đại là một quyết định táo bạo với một sinh viên. Điều gì thúc đẩy bạn làm điều đó và bạn đã sắp xếp tài chính như thế nào?

Võ Việt Tiến: Thật ra lúc đầu mình cũng đắn đo lắm! Nhưng mình nghĩ nếu muốn theo đuổi con đường này lâu dài, thì đầu tư vào thiết bị là điều cần thiết. Mình tiết kiệm từ tiền làm thêm, cộng với một chút hỗ trợ từ gia đình để mua máy quay và vài thiết bị cơ bản. Sau đó, khi có thêm dự án bên ngoài, mình tái đầu tư vào các thiết bị khác. Mình thấy mình đam mê sáng tạo nội dung, muốn theo đuổi nghề quay phim, nhiếp ảnh, sản xuất video, hoặc thậm chí làm vlog. Sở hữu thiết bị hiện đại giúp mình phát triển kỹ năng và chuẩn bị cho sự nghiệp trong ngành sáng tạo. Sinh viên không phải lúc nào cũng có cơ hội tiếp cận thiết bị chuyên nghiệp, nên việc đầu tư giúp mình thực hành, học hỏi và tạo ra sản phẩm chất lượng, có thể nổi bật trong ngành. Nó còn mở ra cơ hội kiếm tiền từ các dự án như quay sự kiện, chụp ảnh sản phẩm, hoặc làm freelance để tự trang trải. Dù là sinh viên, mình không đủ kinh phí mua thiết bị mới, nên chọn mua đồ cũ hoặc đồ người dùng bán lại. Về tài chính, mình bắt đầu tiết kiệm từ khoản nhỏ hàng tháng, tìm việc làm thêm, freelancing để dành dụm. Quan trọng là mình lên kế hoạch tài chính rõ ràng, đảm bảo việc đầu tư không ảnh hưởng quá nhiều đến học tập và chi phí khác.

PV: Hiện tại, bạn đang làm thêm cho phòng truyền thông của trường và các đơn vị sản xuất truyền thông bên ngoài. Công việc này mang lại cho bạn những trải nghiệm gì đáng nhớ?

Mỗi lần tác nghiệp là mỗi trải nghiệm đáng nhớ của thời sinh viên chạm nghề

Võ Việt Tiến: Quá trời luôn! Lúc mới lên TP Hồ Chí Minh nhập học, tháng thứ 2 mình xin làm cộng tác viên cho phòng truyền thông. Lúc đó mình tay trắng, không có thiết bị gì, dùng đồ của trường, nhờ vậy được tiếp xúc với nhiều thiết bị mới hơn, trải nghiệm môi trường làm việc mới, gặp gỡ nhiều mối quan hệ. Khi làm cho phòng truyền thông, mình học cách quay – dựng video chuyên nghiệp hơn. Còn khi làm cho đơn vị bên ngoài, mình từng tham gia các dự án MV lớn như “Cái Muôi” của Yuno BigBoy, OST “Dù Con Đã Lớn Khôn” của Lật Mặt 7. Mình được tiếp xúc với ekip chuyên nghiệp, học hỏi nhiều kiến thức mới mà mạng xã hội không chia sẻ. Làm việc với người trong ngành, mình không chỉ học lý thuyết mà còn những chi tiết nhỏ nhưng quan trọng như cách chăm sóc, nói chuyện với khách hàng, đối tác, xử lý yêu cầu thực tế, chứ không chỉ làm theo sở thích cá nhân nữa.

PV: Là một sinh viên bận rộn, bạn cân bằng thế nào giữa việc học, làm thêm và theo đuổi đam mê sản xuất phim ngắn?

Võ Việt Tiến: Lúc đầu mình hơi rối, nhưng sau này học cách sắp xếp thời gian hợp lý hơn. Mình đặt ưu tiên cho từng công việc, tận dụng tối đa thời gian rảnh để làm những thứ quan trọng. Ví dụ, có hôm rảnh cả buổi chiều, mình tranh thủ quay phim luôn, không để dồn lại. Mỗi tuần, mình lên lịch cụ thể, ưu tiên việc học nhưng vẫn dành thời gian cho làm thêm và đam mê. Mình còn kết hợp giữa học và làm phim, như áp dụng kiến thức từ môn truyền thông, nghệ thuật vào dự án cá nhân, vừa thực hành vừa làm bài tập. Làm phim ngắn cùng bạn bè cũng giúp mình giảm gánh nặng, học hỏi lẫn nhau. Mình đặt mục tiêu cụ thể mỗi tuần hoặc tháng, theo dõi tiến độ để duy trì động lực và hoàn thành.

PV: Nếu nói về Khoa Truyền thông sáng tạo, điều gì ở môi trường này khiến bạn cảm thấy yêu thích và phù hợp nhất với mình?

Võ Việt Tiến: Mình thích nhất là sự cởi mở và khuyến khích sáng tạo. Ở đây, giảng viên như bạn của sinh viên, tạo môi trường thoải mái để mọi người thể hiện ý tưởng, làm dự án cá nhân mà vẫn được thầy cô, bạn bè hỗ trợ. Điều mình rất thích là khoa luôn tạo sân chơi cho sinh viên thỏa sức sáng tạo, không chỉ học lý thuyết hay làm bài tập chữ mà còn thực hành, áp dụng kiến thức vào thực tế. Khoa còn tổ chức các dự án thực tế, giúp tụi mình phát triển kỹ năng, giao lưu với chuyên gia trong ngành. Đặc biệt, trong chương trình học của mình, có rất nhiều học phần kỹ năng về truyền thông mình học tại toà soạn báo Tuổi Trẻ. Tại đây, mình được các thầy cô là nhà báo, phóng viên, biên tập viên dạy những bài học thực hành hết sức dễ hiểu và áp dụng vào thực tế rất hữu ích.

Trong quá trình học tập tại trường, mình thích nhất học phần Xây dựng kịch bản sản xuất sản phẩm truyền thông và học phần Mỹ học đại cương. Ở học phần Xây dựng kịch bản sản xuất sản phẩm truyền thông, mình được tìm hiểu và hiểu rõ quy trình sản xuất chuyên nghiệp từ lên ý tưởng, viết kịch bản đến cách thực hiện. Mình thấy học phần này mang lại kiến thức thực tế, gắn liền với công việc mình hướng tới trong tương lai. Còn với Mỹ học đại cương, môn học giúp mình mở rộng góc nhìn về cái đẹp trong văn hóa phương Đông và phương Tây. Qua các buổi học và những phân tích của giảng viên, mình dần nhận ra mối liên hệ sâu sắc giữa mỹ học và các lĩnh vực truyền thông, nhiếp ảnh, cả điện ảnh. Môn học này cho mình thêm nền tảng để cảm nhận, đánh giá và tạo ra các sản phẩm truyền thông mang tính thẩm mỹ.

PV: Bạn có dự định kiếm tiền từ các nền tảng đa phương tiện như YouTube, TikTok hay Vimeo thông qua việc sản xuất phim ngắn không? Nếu có, bạn đã lên kế hoạch cụ thể thế nào?

Võ Việt Tiến: Có chứ! Hiện tại, tụi mình đang tập trung xây dựng kênh YouTube, muốn phát triển một series phim ngắn có nội dung hấp dẫn, đồng thời tối ưu hóa kênh để bật kiếm tiền trong tương lai. Dự định sắp tới, tụi mình sẽ tham gia các cuộc thi phim ngắn để tích lũy kinh nghiệm và học hỏi từ các đội bạn.

PV: Những dự án phim ngắn mà bạn và team đã thực hiện có thông điệp hay phong cách đặc trưng nào không? Hãy bật mí một chút về tác phẩm tâm đắc nhất của bạn!

Võ Việt Tiến: Tụi mình thường tập trung vào những câu chuyện gần gũi, thường gặp hoặc có thể gặp, mang yếu tố tâm lý, cảm xúc, truyền tải thông điệp cho giới trẻ. Một trong những phim ngắn tâm đắc nhất là “Vết Nhơ”, nói về vấn nạn sử dụng chất kích thích của giới trẻ hiện nay. Mình muốn phim là lời cảnh tỉnh, tuyên truyền về tác hại của nó. Trong phim có câu mình rất tâm đắc: “Ma túy không phải món tráng miệng, đừng để nó nấu chín tương lai của bạn.”

PV: Nhìn về tương lai, bạn đặt mục tiêu gì cho bản thân trong lĩnh vực truyền thông và sản xuất phim ngắn?

Võ Việt Tiến cố gắng từng ngày để hướng tới mục tiêu cho những dự án phim

Võ Việt Tiến: Mình muốn tiếp tục phát triển kênh của team, mở rộng dự án phim ngắn và thử sức với những thể loại khó hơn. Trong tương lai xa hơn, mình mong tham gia vào các dự án phim chuyên nghiệp.

PV: Cuối cùng, bạn có lời khuyên nào dành cho các bạn sinh viên khác đang ấp ủ đam mê trong ngành Truyền thông đa phương tiện nhưng chưa dám bắt đầu?

Võ Việt Tiến: Mình nghĩ điều quan trọng nhất là bắt đầu ngay. Không cần đợi đủ thiết bị hay kỹ năng hoàn hảo, chỉ cần dám thử, dám sai và không ngừng học hỏi. Hãy cứ làm, rồi bạn sẽ tìm được con đường phù hợp với mình. Đừng lo sản phẩm đầu tiên không hoàn hảo, mỗi lần làm là một lần học hỏi, cải thiện. Tận dụng công cụ miễn phí hoặc rẻ tiền như điện thoại, máy tính để bắt đầu, vì nội dung và ý tưởng mới là quan trọng nhất. Ngành này luôn thay đổi, nên hãy cập nhật xu hướng, học từ người đi trước qua khóa học online, sách, YouTube. Quan trọng nhất, đừng ngần ngại bắt đầu dù chưa hoàn hảo. Sự sáng tạo không có giới hạn, và chỉ khi hành động, bạn mới khám phá được tiềm năng của mình!

Cám ơn Võ Việt Tiến! Chúc bạn và team có niềm đam mê sản xuất phim cháy bỏng sẽ đạt được những mục tiêu sắp tới, các dự án phim sẽ thành công, sẽ giành những giải thưởng cao nhất tại các cuộc thi và toả sáng trên hành trình chạm đến giấc mơ truyền thông của mình nhé!

 

                                                                      Nguyễn Thị Huỳnh Giao

                                                                                        Ảnh: Nhân vật cung cấp

Call Now