MẠNG XÃ HỘI VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI KINH TẾ TRUYỀN THÔNG TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

Cùng với sự phát triển của Internet, mạng xã hội được xem là một trong những ứng dụng của Internet có ảnh hưởng lớn, đặc biệt là đối với giới trẻ ở cả khu vực đô thị và nông thôn. Thông qua mạng xã hội, hầu hết mọi người đều có cơ hội được tiếp cận và trao đổi các thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Khi thông tin được đưa ra, trao đổi trên thị trường thì nó đã trở thành một loại hàng hoá và đây là điều kiện để hình thành hoạt động kinh tế truyền thông. Điều đó cho thấy mạng xã hội có vai trò vô cùng quan trọng đối với các hoạt động của nền kinh tế truyền thông. Bài viết nhằm mục đích chỉ ra những tác động của mạng xã hội đối với kinh tế truyền thông ở Việt Nam hiện nay, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm phát huy những tác động tích cực, mang lại hiệu quả tối đa cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp truyền thông nói riêng.

Mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội (social network) là dịch vụ kết nối các thành viên cùng nền tảng sở thích trên Internet với nhau theo nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt không gian và thời gian. Những người tham gia vào mạng xã hội còn được gọi là cư dân mạng. Các cư dân mạng sẽ cùng kết nối và mỗi người là một mắt xích để tạo nên một mạng lưới rộng lớn truyền tải thông tin trong đó. Như vậy, mạng xã hội sẽ tự thân lan rộng trong cộng đồng thông qua các tương tác của các thành viên trong chính cộng đồng đó.

Mạng xã hội khác với trang web thông thường ở cách truyền tải thông tin và tích hợp ứng dụng. Trang web thông thường cung cấp càng nhiều thông tin, thông tin càng hấp dẫn càng tốt. Còn mạng xã hội tạo ra các ứng dụng mở, các công cụ hỗ trợ để mọi người tự tương tác và tạo ra dòng tin rồi cùng lan truyền dòng tin đó. Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam là Facebook, Youtube, Instagram, Zalo, Zing Me, Lotus….

Kinh tế truyền thông là gì?

Tại các nước phát triển, truyền thông từ lâu đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng với doanh số hàng năm lên tới hàng trăm tỷ USD và vẫn đang trên đà phát triển rất mạnh. Mô hình quản lý hệ thống truyền thông tại các quốc gia có nhiều điểm khác nhau, nhưng việc nhìn nhận kinh tế truyền thông đang trở thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn đã dần được khẳng định.

Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có một khái niệm cơ bản thống nhất cho hoạt động này. PGS.TS. Tạ Ngọc Tấn cho rằng: Kinh tế truyền thông là các hoạt động nhằm mang lại lợi nhuận trên cơ sở hoạt động truyền thông. Nhà kinh tế học người Mỹ Picard. R. trong cuốn sách Kinh tế truyền thông – Lý thuyết và các vấn đề đặt ra đã đưa khái niệm kinh tế truyền thông là những con đường mang lại hiệu quả tối đa của doanh nghiệp truyền thông nói riêng và công nghiệp truyền thông nói chung. Nhà kinh tế học người Nga – TS. Gurevich trong cuốn sách Kinh tế truyền thông đại chúng cho rằng ngay kể từ khi thông tin được bán ra thị trường, nó đã trở thành hàng hoá và đó là điều kiện để hình thành hoạt động kinh tế truyền thông.

Trong khi đó, GS. TSKH. Elena Vartanova trong tác phẩm Kinh tế học truyền thông đã đưa ra nhận định về kinh tế truyền thông và nhấn mạnh về mối liên hệ giữa bộ ba đối tượng: các phương tiện thông tin đại chúng – công chúng – các nhà quảng cáo: Hoạt động kinh tế này vừa mang tính hàng hoá và dịch vụ. Các phương tiện thông tin đại chúng bán nội dung cho công chúng và bởi vậy nội dung đó chính là hàng hoá, được sản xuất cho công chúng. Thực hiện chức năng phục vụ của mình, các phương tiện thông tin đại chúng mang lại dịch vụ cho các nhà quảng cáo bằng cách tổ chức cho họ tiếp cận có mục đích đến công chúng.

Dựa trên nền tảng kinh tế học cơ bản, kinh tế chính trị Mác Lênin và đối chiếu với các nghiên cứu nước ngoài, tác giả xin đưa ý kiến về khái niệm “kinh tế truyền thông”, đó là hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp truyền thông trong quá trình sử dụng con người, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính… để đi đến hiệu quả tối đa màcác doanh nghiệp truyền thông nói riêng và công nghiệp truyền thông nói chung có thể đạt được.

1. Tác động của mạng xã hội đối với kinh tế truyền thông

1.1.Những tác động tích cực

Tại Việt Nam, các mạng xã hội bắt đầu xuất hiện từ những năm 2000 dưới hình thức các trang nhật ký điện tử (blog). Đến hết tháng 6/2021, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, có khoảng 829 mạng xã hội được cấp phép hoạt động với khoảng hơn 35 triệu người dùng, chiếm hơn 37% dân số. Trung bình mỗi ngày người Việt Nam vào mạng xã hội hơn 2 giờ.

           Đối tượng sử dụng mạng Internet thường xuyên nhất là nhóm lứa tuổi từ 15 – 40 tuổi. Nhóm đối tượng này chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động. Nhìn chung, họ là những người trẻ, có điều kiện tiếp cận với máy tính và mạng Internet, nhanh nhạy trong việc tiếp thu những tiến bộ khoa học công nghệ cũng như những trào lưu mới trên thế giới. Tuy nhiên, số lượng mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%. Tổng lượng người sử dụng tại Việt Nam của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu Việt Nam có thể đạt tới 80 triệu người (riêng Zalo đã có khoảng 60 triệu), tuy nhiên mức độ ảnh hưởng và phổ biến thì vẫn còn rất hạn chế  như Facebook, Youtube, TikTok… (Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, Youtube có khoảng 60 triệu, Tiktok khoảng 20 triệu)[1].

Ở Việt Nam hiện nay, sự tăng lên nhanh chóng về chất và lượng của các mạng xã hội đã có tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế truyền thông nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, cụ thể:

* Mạng xã hội cho phép các doanh nghiệp truyền thông tiếp xúc với các khách hàng mục tiêu thông qua hình thức trực tuyến ảo

Một trong những chức năng vô cùng quan trọng của mạng xã hội là giúp kết nối, giao lưu, trao đổi giữa các thành viên dễ dàng. Đây là vai trò cơ bản, truyền thống của các mạng xã hội. Mạng xã hội có vai trò kết nối không phải giống như kết nối của máy tính “dùng dây cáp nối thiết bị định tuyến với thiết bị chuyển mạch” mà là kết nối của thế kỷ XXI “gặp gỡ mọi người để kết bạn và hiểu họ hơn”. Về bản chất, mạng xã hội là những công cụ đặc biệt giúp mọi người gặp gỡ và duy trì mối quan hệ dễ dàng hơn, không phải đi lại nhiều như kết nối truyền thống. Mặc dù rất hữu ích nhưng mạng xã hội vẫn đòi hỏi các bước tiếp cận cơ bản như thể hiện sự thân thiện và chủ động gặp gỡ mọi người. Mạng xã hội giúp quá trình này diễn ra thuận lợi hơn bằng cách tăng cường khả năng gặp gỡ người mới, tìm hiểu những sở thích chung và giữ liên lạc. Thực tế, trung bình hiện nay, mỗi người có khoảng 8 tài khoảng mạng xã hội, vì thế thương hiệu của doanh nghiệp chỉ cần xuất hiện ở một vài nền tảng mạng xã hội đã đủ để họ tiếp cận các đối tượng khách hàng tiềm năng.

* Thay đổi cách thức mà doanh nghiệp truỳen thông tương tác với khách hàng

Có thể nói, mạng xã hội giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với khách hàng tiềm năng một cách tự nhiên và hiệu quả nhất. Bởi vì chính nhờ vào lợi ích của mạng xã hội, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc quan sát, “điều tra” các hoạt động thường ngày của khách hàng mà không gây chú ý. Từ đó, các công ty có thể tạo ra những quảng cáo phù hợp với nhu cầu và sở thích của khách hàng. Các khách hàng sẽ rất cảm kích nếu như doanh nghiệp thấu hiểu được họ, biết được thời gian nào là thích hợp để bán hàng. Và đây là cách để doanh nghiệp có thể tương tác với khách hàng của họ một cách hiệu quả nhất.

* Dễ dàng đo lường sự hiệu quả thông qua hình thức quảng bá trực tuyến

Trong thời đại Internet, mạng xã hội được coi là công cụ hữu hiệu để thực hiện việc quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Nó được coi là công cụ PR (public relationship) hữu hiệu của doanh nghiệp trong thời đại Internet. Việc rao vặt, quảngcáo trên Internet không còn là điều mới. Hiện nay, xu hướng dịch chuyển một thị phần không nhỏ từ các trang chuyên rao vặt, mua bán sang mạng xã hộ đang diễn ra một cách mạnh mẽ.

* Giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận diện thương hiệu và đẩy mạnh doanh số

Trong những năm gần đây, mạng xã hội còn được coi là nền tảng truyền miệng trực tuyến hữu hiệu nhất. Cụ thể, 71% các khách hàng cho rằng họ quyết định mua sản phẩm thông qua lời giới thiệu trên các nền tảng này[1]. Như vậy, lợi ích này của mạng xã hội giúp cho doanh nghiệp có thể nâng cao nhận diện thương hiệu đồng thời đẩy mạnh doanh số thông qua việc bán hàng.

Để tăng lượt giới thiệu doanh nghiệp của mình trên các trang mạng xã hội, các doanh nghiệp thường bắt đầu bằng việc cung cấp một sản phẩm và dịch vụ trên mạng xã hội, sau đó tiến hàng các cuộc thi yêu cầu khách hàng like, bình luận hoặc chia sẻ cảm nhận sau khi dùng sản phẩm để nhận phần quà hấp dẫn. Đây là cách để các doanh nghiệp đưa thương hiệu của mình đến gần hơn với khách hàng tiềm năng.

Việc chia sẻ lại những bài đăng của khách hàng trên mạng xã hội giúp các doanh nghiệp có được một lượng người theo dõi trung thành, đồng thời những khách hàng này còn được xem là những nhà lan toả giúp truyền bá thương hiệu của doanh nghiệp một cách rộng rãi. Nhờ lợi ích của mạng xã hội, doanh nghiệp có thể thực hiện được mục tiêu cuối cùng của mình, đó là tạo nên sự trung thành đối với thương hiệu.

1.2.Một số tác động tiêu cực

Bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng tồn tại không ít yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích cộng đồng và lợi ích của các doanh nghiệp truyền thông.

* Mạng xã hội bị lợi dụng để làm công cụ kinh tế

Một số quốc gia sử dụng mạng xã hội như một công cụ kinh tế. Đây cũng là lý do nhiều các quốc gia có sự cân nhắc và thận trọng trong việc mở cửa hoàn toàn với các mạng xã hội có nguồn gốc nước ngoài. Một phần do các mạng xã hội đa quốc gia thường có trụ sở ở nước ngoài nên việc quản lý có nhiều khó khăn. Một phần là do đặc thù lĩnh vực mạng xã hội là công cụ truyền thông rất mạnh đối với công chúng nên nếu ai đó sử dụng nó với mục đích không đúng sẽ có thể đem lại hậu quả khó lường.

Với đặc tính ảo, mạng xã hội thường xuyên được các đối tượng phạm tội về hình sự, kinh tế, ma tuý lợi dụng để hoạt động với các thủ đoạn như tạo tài khoản ảo để kết bạn, làm quen sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiến hành đánh cắp mật khẩu, chiếm giữ quyền kiẻm soát tài khoản trái phép để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những thông tin bí mật về tài chính, từ đó tìm cách đánh cắp, trục lợi. Một số đối tượng còn sử dụng mạng xã hội để làm công cụ liên lạc trong quá trình mua bán,vận chuyển các loại hàng cấm, ma tuý, vũ khí, vật liệu nổ và các hoạt động phạm tội khác.

2.Một số giải pháp nhằm khắc phục những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với kinh tế truyền thông

Từ những phân tích nêu trên, vấn đề đặt ra là đi đôi với việc phát triển mạng xã hội cần phải có sự quản lý, định hướng của các cơ quan chức năng để mạng xã hội thực sự có ích và mang lại hiệu quả tốt nhất cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp truyền thông nói riêng. Vì vậy cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

* Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý mạng xã hội

Xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý hoạt động trên Internet, mạng xã hội là vấn đề tất yếu, khách quan, quan trọng hàng đầu. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng các bộ luật, luật liên quan đến quản lý, điều chỉnh hành vi người sử dụng Internet, mạng xã hội rất chặt chẽ, khoa học, trong đó có Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, Internet và mạng xã hội sẽ luôn xuất hiện vấn đề mới, dễ làm cho một số quy định pháp luật trở nên không còn phù hợp, lạc hậu. Vì thế, cơ quan chức năng các cấp cần thường xuyên theo dõi, khảo sát, đánh giá, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo công tác quản lý hoạt động Internet, mạng xã hội phù hợp với các quy trình sinh hoạt xã hội, cộng đồng, ngăn chặn hiệu quả các mặt tiêu cực.

* Thứ hai, đầu tư, phát triển các phương tiện, giải pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến

Đây là điều kiện căn bản để cơ quan chức năng và các doanh nghiệp truyền thông chủ động và kịp thời trong quản lý Internet, mạng xã hội. Theo đó, cần nghiên cứu, đầu tư, phát triển công nghệ phù hợp với sự phát triển của Internet; khuyến khích phát triển mạng xã hội có nền tảng công nghệ trong nước, xây dựng mạng xã hội nội bộ ở các cơ quan, đơn vị, nhất là ở những cơ quan, đơn vị trọng yếu, đồng thời xây dựng và phát triển các công cụ quản lý, thu thập, định lượng, phòng ngừa, cảnh báo, lọc, phát hiện tin giả, tin xấu; chú trọng xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp… đảm bảo chủ động cảnh báo, ngăn chặn sự lan truyền, gỡ bỏ tin giả, tin xấu độc ngay khi xuất hiện trên mạng xã hội. Mạng xã hội là môi trường “không có biên giới” nên chúng ta cần tăng cường thông tin, phối hợp với chính phủ các nước và các định chế quốc tế, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội lớn từ nước ngoài như Facebook, Google, Twitter, Youtube… để kịp thời ngăn chặn, xử lý, loại trừ nguy cơ, hiểm hoạ có thể xảy ra từ sớm, từ xa.

* Thứ ba, xây dựng đội ngũ nhân lực hướng tới một nền kinh tế truyền thông chuyên nghiệp

Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước, ngành kinh tế truyền thông cần hình thành một hệ thống đào tạo truyền thông chuyên nghiệp. Theo đó, người làm trong lĩnh vực kinh tế truyền thông và mạng xã hội phải được đào tạo một cách bài bản, được làm việc trong môi trường quản lý bằng những quy chuẩn của cơ quan nhà nước Việt Nam và chuẩn quốc tế. Đó phải là lực lượng nòng cốt chuyên sâu, được tổ chức gọn nhẹ, chặt chẽ, tinh nhuệ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đó phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, kiến thức chuyên sâu, năng lực tư duy phản biện toàn diện, nhạy bén trong khai thác, sử dụng Internet, mạng xã hội cũng như khả năng diễn đạt, luận chiến tốt.

Kết luận

Ngày nay, bất kỳ ai chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một máy tính bảng hay máy tính cá nhân có kết nối Internet đều có thể tham gia vào mạng xã hội. Với nội dung phong phú và cách thức sử dụng dễ dàng, mạng xã hội mang lại rất nhiều tiện ích nổi bật. Chính vì vậy, mạng xã hội là một trong những công cụ hiệu quả để phát triển kinh tế truyền thông. Tuy nhiên, đi kèm với mặt tích cực thì mạng xã hội cũng có những mặt tiêu cực cần được khắc phục. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý mạng xã hội; đầu tư, phát triển các phương tiện, giải pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, và xây dựng đội ngũ nhân lực hướng tới một nền kinh tế truyền thông chuyên nghiệp được xem là giải pháp hiệu quả để phát huy vai trò tích cực, khắc phục những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với kinh tế truyền thông.

TS.Vũ Thị Việt Nga

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thị Hậu (2013), Mạng xã hội với giới trẻ thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Văn hoá văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh
  2. Nguyễn Thị Lan Hương (2019), Mạng xã hội đối với lối sống của thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội
  3. Đinh Văn Hường – Bùi Chí Trung (2015), Một số vấn đề về kinh tế báo in (sách chuyên khảo), Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  4. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Luật An ninh mạng (hiện hành), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội
  5. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020), Luật Tiếp cận thông tin (hiện hành), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  6. https://baochinhphu.vn/chi-mang-xa-hoi-co-giay-phep-moi-duoc-cung-cap-dich-vu-livestream-102295749.htm

 

 

 

Call Now