Tất cả các Thầy Cô của Khoa Truyền thông Sáng tạo đã tham dự buổi chia sẻ cách thức giảng dạy truyền thông với tư cách là một buổi tập huấn, hôm 12/9 vừa rồi với sự có mặt của PGS.TS, Vũ Quang Hào, Giảng viên cao cấp, Trưởng Khoa Truyền thông Sáng tạo và Thạc sĩ báo chí Bùi Tiến Dũng, Trưởng Ban Giáo dục, Báo Tuổi Trẻ.
Tại đây, hai Giảng viên đã tạo lập những module giảng dạy cụ thể giả định để thông qua đó có những phương pháp dạy mà người tham dự cần học. Hai Giảng viên cũng đã tung ra những bài tập thú vị dài ngắn khác nhau được chuẩn bị có dụng ý để người tham dự tập huấn thực thi, qua đó nhận ra khi đứng lớp ở phần kiến thức – kỹ năng này cần có những bài tập như thế nào.
Giảng viên Vũ Quang Hào và Giảng viên Bùi Tiến Dũng
chia sẻ những tình huống được đặt ra cách dạy truyền thông hiệu quả
Buổi tập huấn sôi động với những tình huống (thời sự, xã hội, văn hóa …) nhằm khởi động lớp học, một phần việc không thể thiếu đối với mỗi buổi giảng truyền thông, cũng là phần việc đòi hỏi người giảng dạy phải sáng tạo rất nhiều cho những buổi giảng khác nhau.
Bằng vào những cách giảng module giả định cụ thể, người tham dự cũng hiểu rằng, giảng dạy truyền thông mặc dù cần dẫn dắt tối đa kĩ năng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bỏ qua lý luận. Lý luận được ẩn chứa và cung cấp đằng sau mỗi tình huống, mỗi ví dụ, mỗi sản phẩm được tạo tác.
Người tham dự buổi chia sẻ này cũng vỡ ra rằng, giảng dạy truyền thông rất cần người học làm nhiều bài tập. Tuy nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa khi:
- Các bài tập được ra có chủ đích cho từng cấu phần của module đang dạy.
- Thời lượng ngắn dài rất khác nhau tùy vào dụng ý của người dạy.
- Bám theo bầu không khí thời cuộc khi giờ dạy diễn ra.
- Đặc biệt là đã ra bài tập thì phải quan sát, kèm cặp, thậm chí gợi ý và cuối cùng là cho người học trình bày trước lớp rồi đánh giá nhận xét.
Phương pháp “đơn giản nhất” dường như đều được tất cả các Thầy Cô tham dự buổi chia sẻ này nắm bắt được ngay, đó là chuẩn bị: Chuẩn bị rất kĩ lưỡng, đúng và trúng, kinh điển và mới mẻ, chuẩn và lỗi …của từng tư liệu (file hình, file tiếng, ảnh chụp, tờ báo, bản photo…) vốn được tích lũy và chọn lọc trong nhiều năm làm nghề, cùng với những tư liệu chuẩn bị ít phút trước giờ dạy (tư liệu đang chạy trên mạng)…; đặc biệt là những tư liệu mẫu rất tiên tiến về phương pháp mà giảng viên có được từ nhiều khóa học về truyền thông ở nước ngoài. Tuy nhiên chuẩn bị này cũng sẽ ít tác dụng nếu chỉ đem chúng trình chiếu để phổ biến, mà quan trọng là nhờ chúng người học sẽ hỏi nhiều hơn,thảo luận nhiều hơn và đề xuất nhiều hơn …
Việc sản xuất các sản phẩm truyền thông luôn thay đổi theo hướng sáng tạo do nhu cầu nghe xem đọc của công chúng thay đổi không ngừng. Đây là một trong những lý do đòi hỏi cả người dạy và người học truyền thông phải luôn tìm kiếm và áp dụng những phương pháp mới mẻ, đặc biệt là những phương pháp giảng dạy tiên tiến vốn đã được thực thi thành công ở nhiều nước. Với một khoa chuyên ngành mới được thành lập như Khoa Truyền thông sáng tạo thì việc chia sẻ những cách thức giảng dạy này là rất cần thiết.
Một số ảnh buổi tập huấn:
Toàn cảnh lớp tập huấn sáng 12/09/2023 tại Khoa Truyền thông Sáng tạo
Thạc sĩ báo chí Bùi Tiến Dũng, Trưởng Ban Giáo dục, Báo Tuổi Trẻ tại buổi tập huấn của Khoa Truyền thông Sáng tạo
Học viên lớp tập huấn TS. Trần Vĩnh Hà báo cáo bài tập (người đứng thứ nhất từ trái qua)
Buổi tập huấn luôn sôi động với các tình huống bài tập được đặt ra trong lớp học
Bài và ảnh: Vũ Quang Hào – Đức Dũng