Tháng này hai mươi năm trước (2004) cuốn “ Báo chí và đào tạo báo chí Thụy Điển” tôi biên soạn được xuất bản tại Hà Nội, như góp một chút nhỏ nhoi vào vốn tài liệu đào tạo của Dự án đào tạo nâng cao báo chí Việt Nam do Viện FOJO Thụy Điển thực thi. Tháng này năm nay, nhớ Thầy Clas Thor, Người Thầy khả kính, đồng trưởng đoàn chuyên gia của Dự án, tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách Thầy (và 2 tác giả khác) “Use media to teach media”, một cuốn sách viết về phương pháp đào tạo truyền thông mà trộm nghĩ người ngoài ngành truyền thông cũng nên đọc.
Bìa cuốn sách Use media to teach media
Trong chục năm gắn bó với Dự án này, tôi có cơ may được gần gũi Thầy Clas Thor nhiều và may mắn hơn là được nhận nhiều ưu ái từ Thầy. Một trong số đó là phiên bản tiếng Nga cuốn sách này Thầy cho tôi trước khá lâu khi có bản tiếng Anh. Và năm 2010, Ban quản lý Dự án “Đào tạo nâng cao báo chí Việt Nam” và Viện đào tạo nâng cao báo chí FOJO KALMA Thụy Điển đã cho dịch bản tiếng Anh này và ấn bản với tựa đề “Sử dụng báo chí để dạy báo chí”.
Thầy Clas Thor (bên trái) và Vũ Quang Hào tại phòng làm việc nhà riêng Thầy ở Orebro,Thụy Điển 10/2006
“Truyền thống và hiện đại có thể được kết hợp với nhau như thế nào trong đào tạo? Đó là một trong những thách thức trong tương lai đối với giảng viên báo chí”. Đây, với tôi, là một trong những điều tâm đắc nhất tìm thấy trong cuốn cẩm nang dành cho những người làm đào tạo này. Một cuốn cẩm nang cho người làm đào tạo truyền thông với những phương pháp dễ dùng và dễ đạt hiệu quả. Đó là những phương pháp mà Tác giả đã “thử nghiệm trong hơn mười năm ở Việt Nam cũng như ở một số nước khác”.
- “Chúng ta đào tạo thế nào mà không cần dựa vào những slide?”
- “Làm thế nào để chúng ta có thể duy trì được các nhóm người học và tiếp tục quá trình dạy không bị gián đoạn?”
- “Bí quyết của một giảng viên báo chí giỏi là gì?”
Một số câu trả lời bạn sẽ tìm thấy trong cuốn cẩm nang này.
Theo Tác giả thì “một giảng viên cần phải là một người lập kế hoạch giỏi” và đánh giá được nhu cầu đào tạo thông qua một số công cụ. Sau bước này, “bước thứ hai là xây dựng chương trình đào tạo. Tuy nhiên “…chương trình đào tạo đưa ra hướng dẫn và định hướng nhưng nó không phải được viết trên đá và do vậy nó có thể điều chỉnh trước hoặc trong quá trình dạy”. Đây vẫn được xem như một phương pháp Thầy đã từng tổng kết và tôi đã từng nhắc lại trong cuốn “Báo chí và đào tạo báo chí Thụy Điển” : dạy đuổi theo nhu cầu của người học!
Chuẩn bị cho việc dạy thế nào ? Lời khuyên của Tác giả là “ cần một quá trình tìm kiếm không ngừng và liên tục để có được tài liệu thích hợp”, “không gì hồi hộp hơn khi giảng viên chuẩn bị kém cho khóa học. Người học sẽ dễ nhận ra bạn chưa chuẩn bị và sự tự tin của bạn sẽ bị giảm xuống”. Và đặc biệt “ cập nhật cho mình những thông tin, diễn biến, xu hướng mới nhất trước khi khóa học bắt đầu là điều tối quan trọng”. Một chuẩn bị khác không kém quan trọng là kết nối với người học và cấp thông tin trước cho họ để họ có thể tham gia tích cực vào việc dạy của giảng viên.
Bắt đầu một khóa giảng dạy, Tác giả sách này trỏ ra 14 vấn đề đồng thời cũng là 14 cách tiến hành giảng dạy. Năm trong số đó đáng chú ý, là “Vượt qua giới hạn cố hữu”; “Tạo lập các nhóm”; “Phong cách giảng dạy khác nhau”; “ Sử dụng các công cụ giảng dạy”; và “Trình bày một cách hiệu quả”. Nhưng trước hết, cuốn sách này đã bày cho các giảng viên nhiều cách khởi động lớp học rất thú vị và dễ áp dụng, thậm chí áp dụng một cách sáng tạo. Và trong màn khởi động buổi đầu, hãy để người học biết Thầy/ Cô là người thế nào.
- “Giảng viên cũng có thể cần luôn ghi nhớ là hệ thống giáo dục thường để lại cách tư duy “bó hẹp”, vì vậy phải luôn tìm ra những bài tập giúp người học tư duy vượt ra khỏi giới hạn cố hữu.
- “Người học là những thành viên của một nhóm, trong đó giảng viên là nhóm trưởng”
- “Bạn là một giảng viên như thế nào? Là người thật sự yêu thích những giờ thuyết giảng kéo dài? Là người làm vườn quan tâm cẩn thận đến cây trồng của mình? Hoặc bạn làm việc như một hướng dẫn viên, dẫn các nhóm tới những kiến thức mới? Bạn có coi mình là người thay đổi của những kiến thức mới và phương pháp làm việc mới nhất?”
- “Mô hình học dạng chóp”, “mô hình học đường thẳng” và “mô hình học đường tròn được coi là 3 công cụ giảng dạy, tùy vào đối tượng người học. Với mô hình thứ ba, theo Thầy Clas Thor, “bạn là giảng viên, bạn có thể bắt đầu từ bất kỳ điểm nào trên vòng tròn, từ thực hành đến nhận xét, từ viễn cảnh đến thực hành, từ ý kiến đến lý thuyết và ngược lại. Bạn tự quyết định điều gì là có ích nhất cho những mục tiêu đào tạo của mình”.
- “Trình bày hiệu quả”, ngoài phong cách riêng, giảng viên cần lưu ý đến: Những biểu hiện của gương mặt, giao tiếp bằng mắt, chuyển động của cơ thể, thời gian tới lớp, giọng nói. Và lưu ý đặc biệt : Sự im lặng của lớp có thể giết chết giảng viên! “Trong hầu hết các trường hợp, những tình huống như thế này xảy ra khi giảng viên đứng trước lớp và đọc từng trang bài giảng”.
Với giảng viên báo chí truyền thông, Tác giả cuốn cẩm nang gợi ý nên dùng những công cụ này: Dùng các giáo cụ trực quan, dùng báo chí để dạy, băng video và đĩa DVD, và thậm chí là sợi dây để “một số người học đến gần, xem kỹ hơn những gì được treo trên dây, hoặc tò mò muốn biết xem mục đích của những thứ treo ở đây là gì”. Nhưng đừng quên công cụ quan trọng, đó là tài liệu, có thể chỉ dưới dạng hand out.
Tác giả đã dành tới một nửa số trang của cuốn sách để nói về “Các ý tưởng đào tạo báo chí chung” và đặc biệt là về những gợi ý cho việc đào tạo từng “loại hình báo chí khác nhau bao gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình”. Và trước đó, Thầy Clas Thor đã nhấn mạnh “phỏng vấn là một trong những nền tảng quan trọng nhất trong báo chí truyền thông, là phương pháp vừa để thu thập vừa để trình bày thông tin. Đó là một trong những lý do vì sao việc dành nhiều thời gian đào tạo kỹ năng phỏng vấn lại quan trọng như vậy”.
Cuốn cẩm nang này cũng bày cho giảng viên cách kết thúc một khóa dạy, trong đó đáng chú ý là việc chỉ ra những “bước phát triển cho cá nhân hoặc cả nhóm”.
Vũ Quang Hào