10 sinh viên Khoa Truyền thông Sáng tạo (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) đã có mặt tại thủ đô Hà Nội vào sáng ngày 3/6/2025, khởi động “đoàn tàu FCC” qua 6 “trạm truyền thông” trong “Hành trình khám phá hệ sinh thái truyền thông của thủ đô”.
Trạm 01: Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội
“Trạm” dừng chân đầu tiên trong chuyến đi này là Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội (gọi tắt là Đài Hà Nội). Đến với nơi đây, các bạn sinh viên đã học trang bị thêm một khái niệm: “Tòa soạn đa phương tiện tích hợp”, bao gồm các mảng công việc chính: Thông tin điện tử; Mạng xã hội; Kỹ thuật và Sản xuất đa phương tiện… được nghe giới thiệu sự đổi mới trong phương thức sản xuất và phát hành, trong đó việc định hướng được nội dung và phân tích dữ liệu người dùng được xem là nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi.
Trước khi chia tay Đài Hà Nội, bộ ấn phẩm báo chí “Thanh Âm Hà Nội” đã được nhà đài giới thiệu và gửi tặng đến đoàn tham quan. Món quà được nhận có giá trị to lớn về mặt tinh thần trong “Hành trình khám phá hệ sinh thái truyền thông của thủ đô”.
Trạm 02: Đài Truyền hình Việt Nam
Khi đặt chân đến đây, các bạn sinh viên đã ngỡ ngàng trước quy mô của một cơ quan báo chí hàng đầu cả nước. Biên tập viên Hữu Bằng tại Ban Thời sự (VTV1) đã trực tiếp dẫn đoàn, tham quan phim trường thời sự lúc 19 giờ – một trong những trụ cột về nội dung phát sóng của VTV. Tại phim trường, sinh viên đã có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ người anh có nhiều năm công tác trong ngành, như: Kỹ năng đọc máy CuePrompter, kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ, kỹ năng quản lý cảm xúc… trong khi dẫn chương trình truyền hình chính luận. Và thú vị hơn nữa là hoạt động trải nghiệm dẫn chương trình như một biên tập viên thực thụ dành cho các bạn sinh viên.
Các sinh viên còn được tham quan phim trường (đang ghi hình) chương trình “Ai là triệu phú”, một dấu ấn đặc sắc của VTV3 trong những năm qua. Trong sự thích thú, từ phim trường, các sinh viên còn được chứng kiến phần hậu kỳ (chèn đồ họa thông tin, chèn hiệu ứng âm thanh…). Dường như sinh viên đã “chạm” thực tế vào quy trình sản xuất chương trình truyền hình (một học phần quan trọng của sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện trên giảng đường).
Trạm 03: “Đây là Tiếng nói Việt Nam”
Bước đến Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), văng vẳng tiếng nói huyền thoại “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội – Thủ đô Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, lòng ai cũng dâng trào cảm xúc.
Giống như VTV, tại phòng thu âm của VOV, sinh viên được trải nghiệm thực tế công việc của một phát thanh viên với đa dạng các bản tin từ kinh tế, chính trị, xã hội… đến thời tiết dưới sự hướng dẫn tận tình của các anh chị có nhiều năm kinh nghiệm tại đây. Đến với trang báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (vov.vn), sinh viên thật sự ngỡ ngàng trước quy mô hệ thống trang thiết bị hiện đại của một đài phát thanh quốc gia. Trong buổi trò chuyện thân tình với ban lãnh đạo đài, sinh viên đã được nghe về “tính đúng” – một trong những yếu tố góp phần hình thành nên thương hiệu VOV bên cạnh “tính nhanh” và “tính kịp thời”.
Thấy được tầm quan trọng của âm thanh trong hoạt động truyền thông hiện nay, Khoa Truyền thông sáng tạo đã thêm vào chương trình đào tạo hai học phần nổi bật là “Kỹ thuật xử lý âm thanh” và “Podcast”, giúp sinh viên tiệm cận đa dạng các loại hình báo chí hiện đại.
Trạm 04 và 05: “Truyền thông: Ngành của mọi nghề”
Truyền thông thật sự là “ngành của mọi nghề” khi các sinh viên tham quan văn phòng truyền thông và tìm hiểu về hoạt động truyền thông của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Các sinh viên đã cảm nhận được rằng ngành ngân hàng và điện lực không hề khô cứng như chúng ta tưởng, mà còn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà quản trị truyền thông khai thác trong tương lai. Từ chiến lược truyền thông trên các phương tiện truyền thông xã hội cho đến truyền thông nội bộ đều được đại diện hai doanh nghiệp tận tình chia sẻ đầy đủ cho các sinh viên. Qua đó, giúp sinh viên “bỏ túi” được những kinh nghiệm vàng trong việc quản trị và phát triển thương hiệu.
Trạm 06: “Tuổi trẻ trong tôi là Tuổi Trẻ!”
Được ngồi trò chuyện cùng nhà báo Dương Đức Đà Trang – Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ tại Văn phòng Báo Tuổi Trẻ Hà Nội là cơ hội không dễ có. Ngoài thông tin (diện tích và cơ cấu nhân sự của cơ quan) và thông điệp (tôn chỉ hoạt động của cơ quan), sinh viên còn được truyền cảm hứng qua những nốt thăng trầm của riêng nhà báo Đà Trang. Và đến cuối cùng, điều làm anh tự hào nhất vẫn là danh xưng “Nhà báo”. Anh nói vui rằng: “Tuổi trẻ của tôi là Tuổi Trẻ, và chắc sau này tuổi già của tôi vẫn là Tuổi Trẻ” làm cho chúng tôi thán phục trước anh, một nhân tố không thể tách rời với Báo Tuổi Trẻ, đặc biệt là trên thực địa ở miền Bắc.
Để có được chuyến đi lần này nhờ phần lớn sự hỗ trợ của Báo Tuổi Trẻ. Thể hiện mối quan hệ tích cực giữa Báo Tuổi Trẻ và Khoa Truyền thông sáng tạo (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) trong việc phối hợp đào tạo để cho “ra lò” những nhà truyền thông có thực học lẫn thực hành, trở thành lực lượng nồng cốt trong lĩnh vực truyền thông và báo chí trong tương lai.
“Khám phá – Sáng tạo – Gắn kết”
Nhớ lại lời của PGS.TS Vũ Quang Hào (Trưởng khoa Truyền thông sáng tạo) tại chuyến thăm Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai: “Nhà trường không cần thiết phải xây lên phòng thực hành hàng trăm tỷ đồng, mà thay vào đó sẽ nương nhờ các cơ quan báo chí để giúp các sinh viên tiếp cận thực tế với những kiến thức đã học tại trường”. Qua đây, thể hiện hướng đi “Khám phá – Sáng tạo – Gắn kết” mà Ban Chủ nhiệm Khoa cùng toàn thể sinh viên Khoa Truyền thông sáng tạo xây dựng thời gian qua.
Một số ảnh khác
Nguyễn Dương Hoài Trọng
Ảnh: Phòng Truyền thông