Thể loại tranh in đắp nổi/ Collagraph, một phương pháp in ấn đơn giản, hiệu quả và tính ứng dụng cao. Người làm tranh có thể tận dụng các vật liệu có sẵn hoặc tái sử dụng vật liệu bỏ đi như: bìa carton, vải bố, sợi, lá, cành cây, cát, vỏ trứng, hộp giấy, … để thực hiện một tranh theo ý thích.
1. Kỹ thuật thể hiện tranh in đắp nổi/ Collagraph
Collagraph (đôi khi viết Collography), từ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp koll hoặc kolla, có nghĩa là keo và từ “Graph” thuộc về các biểu tượng nhìn, có nghĩa là biểu đồ, đồ thị, hình vẽ. Là thể loại tranh in đắp nổi, một phương pháp chế bản và in ấn đơn giản, bằng cách gắn, dán các vật liệu lên một chất nền cứng (bìa, fomat, gỗ…) sau đó phủ màu lên và in ra giấy.
Người đi tiên phong trong thể loại này là Donald Hogo Stoltenberg, ông sinh ở Milwaukee, Wisconsin, Hoa Kỳ. Ông là người đi tiên phong trong kỹ thuật tranh in được gọi là collagraphy, Từ 1957-1974, ông dạy collagraphy tại Bảo tàng Trường DeCordova ở Lincoln, tiểu bang Massachusetts. Chất liệu sử dụng trong sáng tác của ông rất đa dạng với nhiều thể loại như: chuyên sơn dầu, màu nước và kỹ thuật tranh in. Ông cũng là tác giả của hai cuốn sách, Collagraph Printmaking và The Artist.
Thể loại tranh in đắp nổi/ Collagraph, một phương pháp in đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện. Người làm tranh có thể tận dụng các vật liệu có sẵn hoặc tái sử dụng vật liệu bỏ đi như: bìa carton, vải cũ, sợi, lá cây, cành cây, cát, vỏ trứng, vỏ hộp sữa… để cắt dán, đính, gắn lên một bề mặt bằng cách sử dụng keo sữa hoặc gloss và bôi màu cục bộ từng vị trí. Tuỳ vào sự sáng tạo của hoạ sĩ để tạo một bức tranh in như mong muốn, đôi khi có thể là hiệu quả bất ngờ mà chính người thực hiện cũng không đoán trước được.
Mực in có thể dùng mực gốc dầu hoặc gốc nước, giấy in ở thể loại này chúng ta có thể tuỳ chọn hiệu quả in bằng giấy đã thấm qua nước và để ẩm hay giấy khô, giấy có gân hay giấy trơn láng bề mặt, định lượng giấy dày hay mỏng cũng cho ra kết quả khác nhau tuỳ thuộc vào ý tưởng sáng tác của tác giả.
2. Hướng dẫn thực hiện
• Chuẩn bị:
– Một miếng vật liệu cứng để làm nền (bìa catoon, format, mica, gỗ…
– Vật liệu tái chế hoặc cành cây, lá, vỏ trứng, vải, giấy, túi nilon,…
– Giấy in với nhiều định lượng khác nhau.
– Chất phụ gia (Medium Gloss): Có dạng lỏng, màu trắng sữa, sau khi khô thì trong suốt không màu, không thấm nước giúp kết dính tất cả các chất liệu với
nhau. Có thể dùng Gesso, keo sữa, cũng giúp làm cho bề mặt ít thấm nước, đắp Gesso để tạo độ gồ ghề cho bề mặt.
Cây, cỏ dại, bã cafe, sợi gỗ phế liệu từ tranh khắc, vỏ trứng, giấy loại, gloss, keo sữa
• Quy trình thực hiện
– Phủ Gel Medium Gloss lên tấm bìa, dán các vật liệu mà mình muốn
– Phủ dậm lại Gloss lên bề mặt vật liệu để chắc chắn vật liệu được bám chắc trên bề mặt giấy.
– Chờ cho vật liệu đã khô, phủ thêm một đến hai lớp Gloss trên mặt vật liệu để tranh cho vật liệu không hút màu (chờ từng lớp khô rồi phủ tiếp). Tránh không phủ quá dày làm mất đặc tính của vật liệu.
– Chọn sơn dầu pha theo gam màu mình muốn, phủ lên toàn bộ bề mặt vật liệu.
– Đặt một tờ giấy lên bề mặt vật liệu đã tô màu và bắt đầu dùng tay chà lên mặt giấy, nếu bề bặt không quá dày và gồ ghề thì có thể đưa qua máy cán ép để màu trên vật liệu chuyển lên giấy.
– Từ từ bóc lớp giấy ra khỏi bề mặt vật liệu. Ta đã có một tác phẩm sử dụng kỹ thuật collagraph theo ý muốn.
•Bài tham khảo
Tranh in Collagragh, bản in hoàn thiện & ứng dụng thiết kế bao bì sản phẩm, ấn phẩm. Đây là những sản phẩm do sinh viên thực hiện dưới sự hướng dẫn của GV Nguyễn Thị Phương Dung
ThS. Nguyễn Thị Phương Dung