Con đường chuyển mình từ sinh viên thành…nhà báo

Những năm làm việc ở một số cơ quan truyền thông, báo chí, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều sinh viên thực tập lững chững học nghề và chuyển mình thành những nhà báo giỏi.

Có nhiều thời điểm trong năm, các cơ quan báo đài ở TP.HCM nhộn nhịp nhận sinh viên từ các trường đại học vào học nghề. Có em thực tập. Có em kiến tập. Có em chưa tới thời gian thực tập nhưng vẫn ham học hỏi, xin vào tòa soạn để tìm hiểu công việc, tìm hiểu cách tác nghiệp của các anh chị PV, BTV.

Nhà báo Từ Lương , Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Tp. HCM gặp gỡ và nói chuyện với sinh viên

Khoa Truyền thông sáng tạo

Những ngày ấy, không khí ở các cơ quan báo đài thật vui vẻ, hào hứng vì có sự giao lưu giữa chủ – khách. Các em sinh viên được coi là những vị khách đặc biệt bởi khi đó – chúng tôi những PV, BTV trở thành chủ thể trả lời phỏng vấn còn các em trở thành người phỏng vấn. Một cuốn sổ tốc ký được các em ghi vội về cách thức, kỹ năng, kinh nghiệm làm báo…Hình ảnh ấy gợi cho chúng tôi liên tưởng đến một phong cách ký giả tiềm năng trong tương lai.

Nhà báo Xuân Trung , Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ tiếp đoàn của Khoa Truyền thông sáng tạo

đến cám ơn sau đợt thực tập của sinh viên

Chúng tôi đã chứng kiến nhiều nhà báo trẻ từng bước trưởng thành từ những ngày còn là sinh viên thực tập, kiến tập như vậy. Trên thực tế, các cơ quan báo chí luôn cởi mở, chia sẻ và giúp đỡ các em sinh viên thực tập bởi lẽ ai cũng sẽ đi từ những bước chập chững ấy.

Thông thường, các em thực tập ở cơ quan truyền thông nào sẽ được người phụ trách ở cơ quan đó gửi gắm cho một anh hoặc một chị phóng viên gạo cội để dẫn dắt, truyền đạt kinh nghiệm. Bước đầu các em được giao những công việc đơn giản như ghi nhận thực tế theo mảng, lĩnh vực. Đơn cử như em nào đam mê lĩnh vực kinh tế sẽ được giao ghi nhận tình hình thị trường tại các siêu thị, chợ…Đó tưởng chừng là những điều cơ bản trong tác nghiệp báo chí. Thế nhưng đây cũng giai đoạn “lửa thử vàng” – là nền tảng để các em tự nhận định, tự tìm hiểu xem mình dấn thân cho nghề đến đâu. Lâu dần các em nhận ra rằng ghi nhận thực tế không đơn giản chỉ là quan sát, chỉ là ghi nhận theo kiểu “có sao viết vậy”. Đó là cách để các em học được làm sao để thẩm định đề tài chính, khai thác thêm khía cạnh xung quanh đề tài chính, đặc biệt là tạo dựng các mối quan hệ xã hội – một yếu tố rất quan trọng đối với người làm báo.

Qua được bước “lửa thử vàng” thì cũng là lúc các em rục rịch tốt nghiệp đại học. Khi ấy các em đã có kiến thức trường lớp, có kinh nghiệm tác nghiệp thực tế và sẵn sàng để trở thành những nhà báo thực thụ.

Các em sinh viên bây giờ ra trường có nhiều lợi thế lắm. Thứ nhất là các em có sức khỏe, sức trẻ. Những tài sản tự thân này giúp các em “tạo lửa nghề” rất tốt trong những lần tác nghiệp, nhất là thông tin thời sự, ghi nhận hiện trường. Thứ 2, các em trưởng thành trong thời đại công nghệ số. Có rất nhiều công cụ kỹ thuật số hỗ trợ để các em tác nghiệp nhanh, thuận lợi hơn. Thứ ba, các em được đào tạo trong môi trường đại học chuyên nghiệp. Một số trường đại học hiện nay đào tạo ra những người làm truyền thông, báo chí rất giỏi. Từ năm 2, năm 3 các em đã tự làm ra một sản phẩm truyền thông đa phương tiện và có thể áp dụng vào thực tế rất tốt.

Đoàn sinh viên Khoa Truyền thông sáng tạo đến học tập tại Báo Thanh Niên

Với sức trẻ, sự nhiệt huyết cộng với nền tảng kiến thức tốt, các em có động lực phát triển rất nhanh trong môi trường báo chí chuyên nghiệp. Lúc này các em đã định hình đam mê, sở thích để tập trung phát triển nghề nghiệp. Ví như có em thích kinh tế thì trở thành PV, BTV chuyên về kinh tế. Có em thích đô thị. Có em thích văn hoá. Có em đam mê lĩnh vực điều tra. Có em lại trở thành người dẫn chương trình cho nhà đài. Nói chung có nhiều chuyên mục cũng như lĩnh vực hoạt động truyền thông để các em lựa chọn và phát triển khả năng, kỹ năng làm báo.

Rất xúc động khi chúng tôi chứng kiến nhiều bạn ra trường không lâu sau đã trở thành những PV nhiệt huyết, cống hiến sức lực và trí tuệ cho cơ quan mình công tác nói riêng, cho đất nước nói chung. Các bài báo các em viết luôn có dấu ấn, phong cách cá nhân. Đặc biệt hơn, có bạn còn gây tiếng vang với những tác phẩm báo chí chất lượng, được giải thưởng cấp địa phương, thậm chí cấp quốc gia.

Tất nhiên, đây chỉ là một con đường trong nhiều con đường chúng tôi chứng kiến các sinh viên thực tập chuyển mình thành những nhà báo chuyên nghiệp. Sẽ có những hành trình mà trên đó truyền tải những câu chuyện về đời, về nghề mà các em – những người lựa chọn ngành truyền thông trải qua. Hành trình này sẽ rất đáng nhớ và đáng trân trọng…

Một số hình ảnh khác về đợt học tập của sinh viên Khoa Truyền thông sáng tạo tại : Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Tp.HCM, Đài Tiếng nói Nhân dân Tp. HCM, Báo Thanh Niên, Kênh VOV Giao thông tại Tp. HCM , Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai…



 

Tác giả: Nguyễn Thị Thoa

Ảnh: Nguyễn Đức Dũng

Call Now