Chất lượng đào tạo nhìn từ phương pháp giảng dạy truyền thông

Chúng tôi đã từng tham dự 3 buổi đánh giá giảng thử của 3 ứng viên sẽ tuyển dụng làm giảng viên. Câu hỏi đặt ra cho họ sau buổi giảng là nếu họ thoát ra khỏi việc trình chiếu từ laptop tới bảng vải (slide) thì tình hình sẽ ra sao? Người học liệu có đủ kiên nhẫn để đón nhận kiến thức theo phương pháp truyền đạt này?

Việc giảng viên bám chặt con chuột trong suốt buổi dạy đã giúp họ thuận lợi trong việc truyền kiến thức từ sách vở mà họ khai thác đến người học. Thế nhưng, việc đọc theo slide và bám đuổi dòng chảy của chúng đã khiến giảng viên  “quên” một thao tác vốn là bản chất quan trọng nhất của công việc giảng dạy những môn học thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, đó là GIẢNG.

Tuy nhiên ngay cả khi giảng viên đã có giảng nhưng nếu vẫn bó cứng theo phương pháp giảng dạy truyền thống thì câu chuyện bảo đảm chất lượng học tập dường như là khó đạt kết quả mong đợi. Đối với những ngành học như ngành quan hệ công chúng và truyền thông đa phương tiện, thì việc giảng viên cần tìm kiếm những phương pháp giảng dạy mới, khác truyền thống là một đòi hỏi cấp thiết bởi đây là những ngành học mà việc học làm sản phẩm mới là mong đợi lớn của người học. Theo đó, những gợi ý dưới đây ngõ hầu hỗ trợ giảng viên nhóm ngành này dần tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới.

Lối dạy “phi” giáo án

Giáo án (bài giảng /giáo trình) mà giảng viên dùng để dạy là có tính pháp lệnh, theo đó nó được thể hiện trên slide cho người học. Tuy nhiên cái khó của việc soạn những slide này (cũng là yêu cầu cơ bản) là làm sao có thể “bắt trúng” những từ khoá của mỗi phần kiến thức và quan trọng hơn là GIẢNG theo những từ khoá đó. Song, cần thoát ra khỏi giáo án kiểu này càng sớm càng tốt, để giảng viên tiến gần hơn đến việc hướng cho người học làm sản phẩm ngay tại lớp. Đó có thể một mô hình mới, là một đề xuất mới, thậm chí là một hình mẫu sản phẩm mới, mà lý tưởng nhất thì đó là hình mẫu sản phẩm của chính người thầy (từ ý tưởng đến phác hoạ và sản xuất). Đơn giản hơn chỉ là ví dụ thì những ví dụ “đắt nhất” vẫn là những trường hợp những sản phẩm mà người thầy đã trực tiếp làm.

Hand out :

  • Từ khoá về kiến thức cơ bản nhất
  • Những kỹ năng
  • Những thao tác
  • Những lời khuyên

Viết ngắn, rõ, theo lối viết chỉ dẫn

Cùng với đó là giáo cụ trực quan, máy móc hỗ trợ việc truyền nghề và đặc biệt là những hand out (tài liệu 1 trang, ít khi 2 trang, tổng kết những điểm cơ bản nhất, kĩ năng, thao tác quan trọng nhất mà người học cần nắm để có thể làm được sản phẩm). Học theo cách này, người học rất ít phải ghi chép, với mỗi nội dung của bài giảng họ chỉ cần nghe, xem giảng viên giới thiệu, chỉ dẫn, yêu cầu…Từ đó tự mình hoặc cùng nhóm làm được sản phẩm.

Để dạy theo phương pháp này, giảng viên ngoài vốn tri thức vững, vốn kinh nghiệm làm nghề điêu luyện, Thầy Cô phải chuẩn bị giờ dạy khá kỹ càng tỷ mỷ chu đáo, nhất là với hệ thống bài tập mẫu rút ra từ thực tiễn.

Lối dạy đuổi theo nhu cầu của người học

Thay vì dạy thứ tự những gì đã soạn, Thầy Cô chọn ra một vấn đề cụ thể nhưng được coi là linh hồn của một tiết giảng, cho người học quyền lựa chọn, thể hiện sở thích những gì cần học xung quanh vấn đề cụ thể đó. Đây chính là lúc mà người học sáng tạo nhất trong cách tiếp cận vấn đề. Và người Thầy đuổi theo nhu cầu của nhóm có số đông cùng cách tiếp cận. Từ đó cả hai phía (Thầy-Trò) lại đặt ra những câu hỏi, thắc mắc hoặc mong muốn tiếp theo. Nhờ vậy, những thao tác, kỹ năng dần dần được tường minh, tới lúc người học nắm vững, thoả mãn thì vấn đề của bài giảng được kết thúc.

Đặc biệt, tiết học đầu tiên của học phần, ngoài việc khởi động lớp học, giảng viên cần nêu vấn đề là những nội dung chủ chốt, để người học đề xuất nhu cầu, mong muốn, thậm chí những điều ngại ngùng đối với từng nội dung đó. Ở tiết học cuối cùng của học phần, giảng viên sẽ hỏi người học xem những gì họ mong muốn đã được đáp ứng chưa. Lo âu và ngại ngùng của người học dần dần được hoá giải không phải bằng sự an ủi mà phải bằng chính sự thuyết phục của giảng viên thông qua phương pháp truyền nghề, bằng những ví dụ sinh động trong chính cuộc đời làm nghề của mình hoặc bằng những dẫn liệu được giảng viên khai thác tức thời từ thực tiễn hoạt động của cơ quan truyền thông (truyền thông đa phương tiên, quan hệ công chúng).Thậm chí huy động ngay tại chỗ từ các trang mạng tin cậy phù hợp với nhu cầu mới nảy sinh của người học (và cho người học những đường link này để họ xem kĩ hơn ngoài giờ học).

Lối dạy lấy việc truyền thao tác và kỹ năng cho người học làm trọng

Sau một tiết giảng của Thầy Cô, nhất là sau một bài tập tại chỗ, người học cần biết họ đã làm được gì và còn cần /nên làm gì. Do vậy, khi đã ra bài tập dù ở quy mô nào thì việc đánh giá của Thầy Cô là bắt buộc (không đánh giá thì việc ra bài tập sẽ không hoặc rất ít ý nghĩa). Cùng với đó là đánh giá của cả lớp. Khi đánh giá nên tuân thủ nguyên tắc: khích lệ, gợi mở và kích thích sự sáng tạo. Hạn chế đánh giá tiêu cực, nếu có cần rất tế nhị. Quan trọng hơn thế, đánh giá cần hướng vào những thao tác kĩ năng ổn và bất ổn thông qua những giải thích vì sao.

Giảng thông qua đánh giá sản phẩm của người học là cách giảng hiệu quả bởi đó là cách dạy không áp đặt, càng không buộc người học phải nhất thiết thừa nhận hay chấp nhận. Trái lại đó là cách nhận xét từ lắng nghe, ghi chép cẩn thận và quan sát tinh tế của giảng viên. Người học ngành truyền thông trong bối cảnh số hoá luôn trông đợi giảng viên cho họ cơ hội được khuyến khích, được phản hồi. Đôi khi, một ý kiến phản hồi nào đó, qua nghệ thuật tiếp nhận và giải đáp của người thầy, lại trở thành một đề tài thảo luận sôi nổi, thú vị và bổ ích cho cả lớp vốn không bao giờ có thể có trong giáo án.

Không khí sôi nổi và thú vị này, đến lượt nó, tạo dựng bầu không khí dễ chịu cho lớp học. Cùng với đó là sự tự tin mà người học được hưởng khi họ không bị áp lực quá căng thẳng nhờ cách người thầy giúp họ không cứng nhắc, sợ sệt hay gò bó trong lúc trình bày kết quả tập làm tại lớp. Bầu không khí này khiến người học háo hứng, ham hiểu biết và tập trung cao.

Những điều này đáng quý hơn khi chúng cấp cho người học niềm tin lớn vào việc học hành của họ là có thể vận dụng ngay những gì đã học vào công việc của mình trong tương lai gần, thậm chí là công việc song hành.

Vài mô tả trên đây không phải là tất cả để bảo đảm chất lượng học tập cho ngành truyền thông đang đào tạo tại NTTU, nhưng chắc chắn chúng là những gợi ý mà mỗi giảng viên có thể tham khảo nếu họ muốn gia tăng thúc đẩy chất lượng đào tạo.

Cũng cần nói thêm rằng những gợi ý đó có độ tin cậy cao bởi chúng được chúng tôi trải nghiệm, áp dụng và tổng kết trong suốt 10 năm được đào tạo để gắn bó với phong cách giảng dạy này, một phong cách đã được tạo dựng thành công từ Bắc Âu và thể hiện thuyết phục tại 90 nước./.

Một số hình ảnh Giảng viên Vũ Quang Hào học lần thứ hai tại Viện Đào tạo nâng cao báo chí Thụy Điển FOJO (ảnh do một học viên trong đoàn học viên Việt Nam chụp):

Nhóm học viên Việt Nam thăm tòa báo VLT tại Thụy Điển 2006
(Người mặc vét bên trái là Nhà báo Clas Thor -Trưởng đoàn chuyên gia Dự án Đào tạo nâng cao báo chí Việt Nam)

Học viên Vũ Quang Hào đi học tại một tòa Báo Thụy Điển 2006 (phía sau là tòa báo)

Học viên Vũ Quang Hào học tại một Kênh truyền hình Thụy Điển 2006

Học viên Vũ Quang Hào và Giảng viên Thụy Điển, Tổng biên tập Susana, tại Viện FOJO 2006

Học viên Vũ Quang Hào và Thầy Clas Thor tại nhà riêng ở Thụy Điển 2006

Học viên Vũ Quang Hào học tại buổi thảo luận của các giảng viên Thụy Điển 2006

Giảng viên Vũ Quang Hào và Ngài Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam, Bà Camilla Mellander
(trong triển lãm Vì một nền báo chí hiện đại , Hà Nội 2013)

Khung cảnh trước Viện Đào tạo nâng cao báo chí Thụy Điển (Viện FOJO)

Vũ Quang Hào

PGS.TS, Giảng viên cao cấp 

Khoa Truyền thông Sáng tạo, NTTU

Call Now