ỨNG DỤNG NGHỆ THUẬT ĐỒ HOẠ TRANH IN TRONG THIẾT KẾ VÀ TẠO DÁNG SẢN PHẨM

Sự kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật design, đem lại cho người học một trải nghiệm thích thú bất ngờ. Có thể thực hành Kỹ thuật tranh in và ứng dụng tạo mẫu sản phẩm trong các lĩnh vực thiết kế qua việc sử dụng các vật liệu đơn giản hoặc tái sử dụng vật liệu sẵn để tạo nên một tác phẩm tranh in theo ý thích.

Tên gọi Tranh in được dùng để chỉ những tác phẩm đồ họa được hình thành từ ý tưởng, mục đích nghệ thuật độc lập của cá nhân người thể nghiệm, được thể hiện bằng quá trình chế bản và in ấn. Tranh in sở hữu một đặc tính độc đáo, phân biệt rõ nhất với các loại hình khác của mỹ thuật, đó là tính nhân bản. Mục từ Đồ họa (A:Graphic art; P: Art graphicque) trong từ điển thuật ngữ phổ thông có nghĩa là một ngành vẽ mà trong đó sử dụng kỹ thuật in ấn, thể hiện tác phẩm, sản xuất hàng loạt bản để có thể phổ biến rộng rãi.

Để làm nên một tranh in, người nghệ sĩ phải tạo ra những phần tử trên một bề mặt như kim loại, đá, gỗ, kính, mica, giấy bìa carton, giấy kiếng, formex (foam) … hay các chất liệu khác. Sau đó bề mặt này được lăn màu và in ra giấy. Bằng cách lặp lại quá trình in như vậy, người nghệ sĩ có thể sáng tạo ra số lượng theo ý muốn. Rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật (được nhân bản) từ nguyên gốc ban đầu, nhờ có tính đặc thù này mà nó đã trở thành một ngành nghệ thuật mang tính đại chúng.

Ngày nay, nghệ thuật đồ họa ngày càng phát triển phong phú và có tính phổ cập rộng rãi trên thế giới, trong đó Kỹ thuật tranh in đương đại đã và đang mở ra một hướng đi mới tự do hơn, cởi mở hơn đáp ứng nhu cầu thể hiện ý tưởng đa diện của các họa sĩ và các nhà thiết kế. Với các kỹ thuật như: Tranh in nổi (Relief print), tranh khắc thạch cao, tranh in Độc bản (Monotype/Monoprint), tranh in Đắp nổi (Collagraph), tranh in Lụa (Screen printing), tranh in Litho trên giấy bạc, Thủy ấn họa (Marbling)… người thực hiện có thể nắm bắt được các kỹ thuật mới trong lĩnh vực đồ hoạ tranh in, tìm hiểu khả năng kết hợp giữa các kỹ thuật thực hành và chất liệu. Tính ứng dụng thiết thực của nghệ thuật đồ họa tranh in không những đem lại một sự trải nghiệm thú vị và sự sáng tạo mà còn sở hữu tính độc đáo, đa dạng, mới lạ khi người sáng tác có thể tạo ra nhiều bản gốc khác nhau trên một bản in và ứng dụng trong thiết kế sản phẩm thông qua sự thay đổi về mẫu mã sản phẩm nhưng vẫn giữ được tính chung, tính thống nhất cho hệ thống nhận diện thương hiệu của sản phẩm.

Mario Picken cho rằng: Sáng tạo là thứ không thể đo lường được nhưng điều quan trọng đầu tiên là biến việc sử dụng các chiến lược sáng tạo một cách vô thức thành một công cụ hoàn hảo một cách tự nhiên nhất. Bất kỳ ai sẵn sàng với cách tiếp cận mới đều có thể trải nghiệm hiệu quả của những phương pháp và kỹ thuật này. Người học sẽ tìm thấy các kỹ thuật phù hợp để mở rộng kỹ năng và khả năng tư duy của bản thân khi thực hiện đồ án hoặc môn học tại trường và nếu có thể được áp dụng cho các công việc thiết kế sau này. Nghệ thuật tranh in chứa đựng những yếu tố ngẫu hứng bất ngờ, đem lại cho người trải nghiệm cảm giác thích thú và lạc quan, một nhận thức mới về cách tư duy sáng tạo, giúp “lật mở” khả năng của người học thông qua những khuôn mẫu đơn giản do các bạn tự chuẩn bị. Những dụng cụ cần chuẩn bị khi thao tác việc khắc và in tranh, thường có: Gỗ MDF (hoặc cao su, mica, fomex, giấy bìa,…), Dao khắc, sơ mướp, Rulo (hoặc Cọ vẽ để tô màu), màu in (màu bột, mực in offset, sơn dầu,…), giấy in (Giấy mỹ thuật, giấy Dó)

  • Thể nghiệm một số kỹ thuật làm tranh in đồ hoạ
  1. Kỹ thuật thể hiện tranh in nổi (Relief)

Một tranh in nổi có thể được tạo ra từ bất kì vật liệu nào có bề mặt có thể làm nổi lên, đủ phẳng để lưu mực bằng con lăn (cọ) và đủ chắc để chịu được áp lực cần thiết khi chuyển hình sang mặt giấy.

Theo truyền thống (Tranh dân gian việt Nam), những tranh in nổi được tạo ra bằng cách: người vẽ dùng bút chì, phấn, mực… vẽ phác hoạ ý tưởng thể hiện một tác phẩm (hình ảnh, bố cục, motif trang trí…) lên trên một tấm gỗ sau đó sử dụng dao khắc, máng hoặc các dụng cụ khắc để lấy đi phần vật liệu không muốn giữ lại, khi phần vật liệu mất đi nó khiến cho bề mặt không còn bằng phẳng. Phần nằm phía dưới bề mặt (phần lõm) sẽ không được dùng để in vì mực (màu) sẽ lưu lại trên phần nổi của vật liệu. Màu để in tranh có thể sử dụng mực in (offset), sơn dầu, màu bột…

Muốn in màu theo lối in tranh dân gian thì mỗi bản khắc tương ứng với mỗi lần in, ta sẽ in được một mảng màu, cứ như thế in lần lượt cho đến khi in hết số màu mà ta mong muốn. Cuối cùng thì in chồng bản khắc nét màu đen (xem quy trình in tranh dân gian Đông Hồ).

Hiện nay, để giản lược quy trình khắc và in tranh các hoạ sĩ sẽ tạo 2 bản khắc (bản khắc nét và bản khắc mảng) có thể lăn, vẽ và chuyển màu trực tiếp trên bản khắc mà không cần phải sử dụng nhiều bản khắc mảng để in màu. Sau khi tạo xong 2 bản khắc:

B1: Dùng rulo lăn hoặc cọ vẽ chuyển màu trực tiếp trên bản khắc mảng cho đến khi đạt được đúng màu như mong muốn (H.1),

B2: Dùng giấy mỹ thuật hoặc giấy Dó đặt lên bề mặt của bản khắc mảng vừa được phủ màu, dùng sơ mướp xoa trên mặt lưng của giấy để giúp màu bám tốt hơn (nhớ làm dấu vị trí đặt bản khắc để tránh bị lệch khi in bản khắc nét).

B3: Lấy tranh ra khỏi bản in và đem phơi cho đến khi bản in màu khô hoàn toàn.

B4: Cuối cùng thực hiện in chồng nét đen lên để định hình, quá trình in kết thúc.

Hình 1: Bản khắc mảng   Hình 2: Bản khắc nét   Hình 3-4. Bản in hoàn thiện & thiết kế bao bì sản phẩm

HS.Nguyễn Thị Phương Dung, “Sen”, Khắc cao su (45×65) cm, (2019)

(Nguồn: Nguyễn Thị Phương Dung)

Hình 5-6. Tác phẩm“Cẩm Tú Cầu”, Khắc gỗ, bản in hoàn thiện & thiết kế bao bì sản phẩm

SV Trần Ngọc Phông, lớp D15-TK03ĐH (2019) khoa Design trường Đại học Công nghệ Sài Gòn (STU)

do GV Nguyễn Thị Phương Dung hướng dẫn (Nguồn: Nguyễn Thị Phương Dung)

  1. Kỹ thuật thể hiện tranh in khắc thạch cao

Hay còn gọi là tranh in khắc thạch cao, việc bắt đầu thử nghiệm chất liệu thạch cao làm khuôn in là của một số họa sĩ Trường Mỹ thuật công nghiệp mà họa sĩ Đường Ngọc Cảnh là người có công lớn trong khởi xướng và phát triển. Lúc đó việc sử dụng bản in bằng thạch cao cũng chỉ nhằm tìm cách khắc phục sự thiếu thốn về nguyên vật liệu trong giảng dạy và sáng tác. Tranh khắc thạch cao đã có vị trí xứng đáng trong nghệ thuật tạo hình nước ta và trở thành một dòng tranh riêng biệt, có những đặc điểm về kỹ thuật thể hiện và hiệu quả nghệ thuật độc đáo. Có thể dùng nhiều chất liệu để in tranh như: bột màu, acrylic, cá biệt còn dùng cả sơn dầu…, nhưng bột màu hòa nhuyễn với hồ nếp (hồ dán) được sử dụng phổ biến nhất vì nó thể hiện được nhiều sắc thái khác nhau. Giấy để sử dụng in tranh thạch cao thường là màu đen màu lam tím (màu đậm, tối) bởi vậy trong quá trình in ấn, hiệu quả của hòa sắc màu đều chịu tác động của màu nền, nên khi in tranh thì lại tạo nên hòa sắc rất đằm, rất quyện. Đây chính là thế mạnh của thể loại này (có thể sử dụng cao su để làm bản khắc thay thế cho tấm thạch cao). Để thực hiện ta cần:

B1: Tạo một bản khắc mảng (khắc bỏ nét, giữ mảng)

B2: Đặt ngửa bản khắc lên một bề mặt đủ phẳng (mặt bàn hoặc mặt đất)

B3: Dán một cạnh (khoảng 2cm) của tờ giấy dùng để in tranh (giấy mỹ thuật hoặc giấy Dó) lên 1 cạnh của bản khắc

B4: Lăn hoặc tô màu lên bản khắc, lật giấy in phủ lên, dùng sơ mướp xoa để giúp màu bám vào giấy tốt hơn (đối với bột màu thì tô theo mảng nhỏ) cho đến khi tạo hình như mong muốn

B5: tháo tranh ra khỏi bản in và đem phơi đến khi khô.

Hình 7-8-9. Các tác phẩm tranh khắc thạch cao của hoạ sĩ Đường Ngọc Cảnh

Lá bàng mùa thu (1994); (2) Hoa chuối rừng (1995); (3) Lan Ý (1998)

Hình 10-11, Bộ tranh Duyên dáng Sa Pa, Khắc cao su, (2015) của HS.Nguyễn Thị Phương Dung

và ứng dụng thiết kế sản phẩm (Nguồn: Nguyễn Thị Phương Dung)

Hết kì 1

Hoạ sĩ, ThS Nguyễn Thị Phương Dung

Call Now