Quản trị rủi ro Bản tin thời sự truyền hình sản xuất trên nền tảng kĩ thuật số

(nghiên cứu trường hợp sản xuất Bản tin thời sự 22h30 VTV1)

1. Từ nhiều năm nay, tất cả các bản tin thời sự của Ban Thời sự đều được sản xuất trên nền tảng kĩ thuật số (từ đây viết tắt là SXKTS). Bản tin 22h30 tuy mới lên sóng từ 16-5-2016 nhưng cũng là bản tin được SXKTS. Điểm khác biệt là nó được sản xuất với tiêu chí riêng và với triết lí thử nghiệm làm thời sự truyền hình theo cách mới trong điều kiện cho phép.

2. Ưu điểm lớn nhất của Bản tin SXKTS:

Cho phép làm live với tất cả những chức năng vượt trội so với sản xuất theo lối truyền thống (sản xuất nguội với kĩ thuật analog): nóng hơn, cập nhật dễ dàng hơn, kịp thời hơn, thay đổi bố cục bản tin một cách tức thời và đơn giản hơn, nối cầu với thường trú tiện lợi hơn, làm talk tại trường quay hoặc làm phone in sinh động hơn …

Cùng với đó, lối sản xuất này cho phép khai thác tối đa hiệu quả lớn nhất của các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất Bản tin (năm máy quay cho một set tại trường quay, Steambox của phóng viên tại hiện trường…) cũng như tạo cơ hội cho việc sử dụng tốt nhất những yếu tố ngoài hình ảnh vốn cần yếu cho nội dung một sản phẩm của Bản tin (Tin, Phóng sự, Talk, Deep focus, Điểm mạng, Clip cuối): DVE, đồ họa, nhạc, phone in…

Ngoài ra là những ưu việt khác.

PGS. TS. Vũ Quang Hào (hàng cuối) trong buổi phát sóng thời sự 19h tại trường quay VTV, 2016

3. Tuy nhiên, SXKTS luôn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro rất lớn. Mặc dù bất kì thành viên nào trong kíp sản xuất cũng đều ý thức được, cũng phải đối mặt và thậm chí đã từng hay sẽ phải gánh chịu rủi ro và mặc dù quy trình sản xuất nội dung cũng như vận hành thiết bị hết sức chặt chẽ, khoa học, nhưng nguy cơ rủi ro với một Bản tin thời sự trong suốt thời gian lên sóng lúc nào cũng là áp lực căng thẳng cho tất cả các khâu và cho mọi thành viên của kíp.

Một kíp sản xuất Bản tin gồm: một chỉ đạo sản xuất, hai-ba tổ chức sản xuất, hai biên tập viên, một số phóng viên tùy thuộc nội dung của Bản tin, một-hai nhân viên đồ họa, một-hai thư kí biên tập, một người kiểm soát đầu file và thời lượng, một người chạy tiếng băng, một người lên chữ, một người quay cue, một người chạy đồ họa và DVE, một người chỉnh cam, một người chỉnh âm thanh, một đạo diễn, hai quay phim và một người dẫn. Ngoại trừ ba chức danh cuối không can dự trực tiếp đến inews khi phát sóng, còn lại đều thao tác, kiểm soát và thực thi trên inews. Và rất nhiều nguy cơ rủi ro lớn nhỏ cho bản tin bắt đầu từ đây.

Inews được gọi là một thứ công cụ kĩ thuật số, tạm coi như CMS của báo điện tử, nhưng phức tạp hơn,hiện đại hơn do bị chế định bởi quá nhiều thao tác của tất cả những thành viên trong kíp sản xuất truyền hình nhằm có được một bản tin tốt nhất. Mỗi một thao tác của một trong số các chức danh nói trên bị lỗi đều dẫn đến hậu quả dây chuyền và đương nhiên sản phẩm cuối cùng lên sóng cũng không thể hoàn hảo. Trong khi những thao tác đó của kíp đều phải diễn ra rất nhanh do thời gian thi công ngắn, nhiều người thi công cùng lúc, cập nhật thay đổi liên tục do bản chất của thời sự và do nhiều lí do khác.

Nhìn từ chính inews, công cụ này cũng có những “nhược điểm” của riêng nó khiến rủi ro cho Bản tin này cũng không ít. Chẳng hạn, việc phân quyền trên inews chỉ cho chức danh thư kí (một trong số những chức danh nói trên) được xem lịch sử dòng tin bài trong sản xuất, trong khi nhiều chức danh khác cần biết để điều chỉnh ngay tại khâu của mình thì lại không được phép. Hơn nữa, undo chỉ cho phép một lần, thế nên phóng viên và biên tập viên đều “mất hết” những gì đã sửa, đã bỏ và cơ hội lấy lại là rất ít.

Mặt khác, ngay cả khi các thành viên không mắc lỗi thì trong một số trường hợp lại xuất hiện những rủi ro bất thường từ hệ thống thiết bị. Cùng với đó, do có quá nhiều dòng chảy vào inews như hình,tiếng băng, đồ họa, DVE, clip cuối, lời off, phone-in, nối cầu…mà việc kiểm soát trong nhiều trường hợp cũng không hề dễ dàng và rủi ro lại xuất hiện. Hơn thế, như trên đã nói, toàn bộ quá trình sản xuất và phát sóng Bản tin này đều trên nền tảng kĩ thuật số của inews, thế nên một trong những loại khủng hoảng khá nghiêm trọng là sự trục trặc kĩ thuật: DVE không hiển thị được, đồ họa lên nhầm thứ tự,không lên được tít hay chữ đi cùng nhân vật trả lời phỏng vấn…Thậm chí do sai sót cú pháp lúc thực thi một khâu nào đó của phóng viên hay biên tập viên trên inews khiến không thể thể hiện đúng ý đồ sản xuất và nhất là dễ xảy ra trục trặc giữa mệnh lệnh của đạo diễn với người chạy băng và với người dẫn.

Một loại rủi ro không thể không nhắc đến ở đây là nguy cơ “chết người” do tham khảo thông tin trên mạng xã hội. Một mặt việc kiểm chứng quá khó khăn, và mặt kia là những hình ảnh khi tải xuống đã không theo ý muốn ban đầu của người khai thác (về bản quyền, về nhạy cảm chính trị, về sạn giới, về vi phạm công ước quyền trẻ em, về đời tư, về phong tục tập quán ..). Ngay cả khi kịp thời phát hiện thì việc thay thế tin bài tức thời cho đủ thời lượng nhiều khi lại đẻ ra rủi ro khác hoặc chí ít làm cho Bản tin kém hấp dẫn so với ý đồ thiết kế khi lên vỏ Bản tin.

Cùng với đó là rủi ro đến từ chính module nội dung của Bản tin. Bản tin 22h30 được chúng tôi thiết kế một module “Điểm mạng” nhằm bắc cầu nối giữa truyền hình và mạng (bao gồm cả báo chí chính thống trên online lẫn các mạng xã hội). Có thể rủi ro đến từ chính việc chọn chủ đề để điểm, cũng có khi lại do việc chọn comments hoặc quá nhấn nhá vào một ý kiến nào đó. Thậm chí rủi ro có thể xuất hiện “kín đáo” khi người phóng viên điểm mạng bị ngợp giữa rừng ý kiến khiến cho đòi hỏi cân bằng và công bằng đối với các comments không đáp ứng được. Đương nhiên việc chọn chủ đề điểm mạng cũng như khâu biên tập module này được chỉ đạo và thực hiện rất kĩ càng và chặt chẽ, song rủi ro vẫn luôn tiềm ẩn.

PGS. TS. Vũ Quang Hào (áo nâu) thảo luận với đạo diễn Bản tin 22h30 trước giờ lên sóng, tại trường quay VTV, 2016

4. Để quản trị rủi ro cho Bản tin sản xuất kiểu này, Lãnh đạo Ban Thời sự VTV nói chung và Phó Ban phụ trách trực tiếp Bản tin nói riêng đã chỉ đạo rất sát sao và chuyên nghiệp. Người phụ trách chính trong tổ chức sản xuất cũng đã trù hoạch và tính toán khá kĩ lưỡng các phương án từ trước hoặc sát giờ, và trong khi thi công cũng như trong lúc phát sóng Bản tin.

Những nguy cơ dẫn đễn rủi ro cho bản tin đã được “đóng khung”, nhận diện từ sớm và chuẩn bị cho chúng một kịch bản xử lí tức thời nếu khủng hoảng xảy ra. Kịch bản này tuy không hiện hữu trước mặt các thành viên của kíp nhưng về căn bản họ đều nhận rõ bốn thang nhận diện nguy cơ: đỏ, cam, vàng, xanh. Theo đó, việc nhận diện và xử lí khá chóng vánh phù hợp với đòi hỏi của làm live một bản tin thời sự.

Tuy nhiên khó khăn khá lớn là việc đánh giá nguy cơ của các thành viên kíp sản xuất có thể khó tạo đồng thuận trong nhất thời. Chẳng hạn, người này cho rằng điểm mạng chủ đề này/ trên mạng này có thể bất ổn một chút nào đó về một phương diện nào đó, người khác không cho đó là bất ổn, mặc dù Bản tin đã có thiết kế tiêu chí. Hoặc một comment nào đó được nhắc đến có thể tốt về nội dung nhưng có vấn đề về câu chữ bất lợi cho kênh sóng của một Đài quốc gia.

Bên cạnh đó,việc nhận diện nguy cơ và ứng phó khủng hoảng cho Bản tin luôn luôn là việc của một nhóm trong số các thành viên kíp sản xuất và đương nhiên quyết định cuối thuộc về cương vị người Chỉ đạo sản xuất hoặc người tổ chức sản xuất chính. Song cũng ở đây nảy sinh khó khăn là nhóm này không ổn định mà tùy thuộc vào kíp sản xuất từng số bản tin khác nhau của các ngày khác nhau. Câu chuyện này cần được nghiên cứu tiếp từ trong thực tiễn điều hành sản xuất Bản tin.

Mặt khác, do chỗ nhận thấy Bản tin này có những nét riêng, có khả năng thu hút công chúng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nên Lãnh đạo Ban Thời sự VTV đã thực thi nguyên tắc 3C trong xử lí khủng hoảng nếu xảy ra, mặc dù không tuyên ngôn. Một trong ba nguyên tắc đó là kiểm soát dòng chảy thông tin của Bản tin ngay trong khi phát sóng và sau khi lên sóng. Nếu có bất kì khủng hoảng nào dù rất nhỏ cũng cần được phát hiện và xử lí ngay tức thời, hoặc ngay sau khi Bản tin vừa hết sóng. Đó là việc thông báo kịp thời với hai trang mạng của VTV là VTVNews và VTVGo để chỉnh sửa ngay trước khi hai trang này đẩy lên. Việc xử lí khủng hoảng này cần nhanh nhưng cũng vẫn bảo đảm nguyên tắc và có sự chỉ đạo sát sao.

5. Nhìn chung, trong khi công chúng, nhất là công chúng trẻ tuổi đang gia tăng xu hướng sử dụng mạng xã hội (tại Singapore 2/3 trẻ em dùng Facebook) thì một xu hướng làm báo theo chúng tôi là cần phải “mạng hóa truyền hình”, tức kéo hoặc giữ công chúng đang say sưa với mạng đồng hành với TV truyền thống, tất nhiên sản phẩm truyền hình này phải được sản xuất trên nền tảng kĩ thuật số và với cạnh tranh nội dung ổn nhất. Xu hướng này với Việt Nam, ở vào thời điểm này, là khả dĩ bởi hiện vẫn có đến 82% công chúng xem TV truyền thống mỗi ngày và đang diễn ra sự phản công của TV truyền thống (*). Tuy nhiên, khi mạng hóa truyền hình theo quan điểm của chúng tôi thì rủi ro là khó tránh khỏi. Hi vọng kinh nghiệm từ một Bản tin thời sự truyền hình sẽ là gợi ý cho những nghiên cứu lớn về Quản trị truyền thông và Xử lý khủng hoảng trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội./.

………………

(*) Theo Glyn Evans, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty nghiên cứu thị trường TNS Vietnam.

Một số hình ảnh hoạt động nghiệp vụ của tác giả ở nước ngoài và trong nước

Vũ Quang Hào (áo đen) tại khóa học truyền hình ở Viện AMSAR, Bangkok, 2007

Vũ Quang Hào tại Đài truyền hình NHK Nhật Bản, Tokyo, 2008

Vũ Quang Hào tại Đài CNBC Hoa Kỳ, 2001

Vũ Quang Hào hỗ trợ phóng viên VTV sản xuất tại Phú Yên, 2014

                                                                        PGS. TS. Vũ Quang Hào

Trưởng Khoa Truyền thông sáng tạo

Call Now