Gọi tiếng cho hình

Mấy chục năm sống với truyền thông, tiếp cận cũng nhiều đầu sách về ngành và đọc rộng ra mảng điện ảnh, truyền hình, nhưng đây là tựa sách gây ấn tượng mạnh nhất với tôi. Nó không chỉ ấn tượng mà còn cho tôi cảm xúc. Và nếu nhìn sang khía cạnh đặt tên sách thì nội những sách về truyền thông chắc chưa có tựa nào vượt được.

Sound Design ( tên gốc) của Tác giả DAVID SONNENSCHEIN muốn nói đến ”Sức mạnh biểu đạt của âm nhạc. Giọng nói và những Hiệu ứng âm thanh trong Điện ảnh”. Tuy nhiên những ai đã và đang làm truyền hình hoặc truyền thông đa phương tiện thì cuốn sách này cũng thực sự là một kho báu – một Cuốn sách “hoà hợp lý thuyết và cơ sở sáng tạo âm thanh, âm tâm lý học, âm nhạc, giọng nói, hình ảnh và chuyện kể”.

Bắt đầu là THIẾT KẾ ÂM THANH TỪNG BƯỚC MỘT. Chương 1 này chiếm trọn ¼ cuốn sách. Tại đây người đọc như được hướng dẫn những kĩ năng nghề về âm thanh: từ đọc kịch bản lần đầu, lắng nghe cái gì đến phân nhóm các tiếng, làm việc với đạo diễn, tư vấn trước và trong khi quay, theo dõi khâu dựng phim và phân tích bản dựng cuối…18 đầu mục của chương sách này  đúng là “những tài nguyên tri thức quan trọng nhất” là “kinh nghiệm và khả năng khơi dậy kỹ năng sáng tạo” (Midge Costin-người viết lời nói đầu cho sách này).

Chương thứ 2 MỞ RỘNG SỰ SÁNG TẠO cho người đọc “đắm đuối” vào sáng tạo tiếng động gốc, với hoạt hình và tiếng động giả, với các kỹ thuật ghi âm, tác động cảm xúc.

Tại chương 3 TỪ DAO ĐỘNG ĐẾN CẢM GIÁC, người đọc được “củng cố” lại một lần nữa những khái niệm cơ bản nhất của âm thanh: môi trường truyền âm, các thông số của âm thanh (nhịp điệu, cường độ, cao độ, âm sắc, tốc độ, âm hình…), các hiệu ứng vật lý của âm thanh…Cơ bản và nâng cao. Càng đọc càng thấy dễ tường minh và thú vị.

Chương 4 TỪ CẢM GIÁC ĐẾN NHẬN THỨC, Khác biệt giữa nghe thấy và lắng nghe, kích thước , khoảng cách và phối cảnh, tiếng dội và tiếng vang, độ phân giải thời gian và tích hợp thời gian, hiện tượng lạc tông và hiện tượng nhịp… Bấy nhiêu đủ cho người đọc khám phá bởi đây là những kiến thức bấy nay không dễ kiếm.

Chương 5 dành riêng bàn về ÂM NHẠC ĐỐI VỚI TAI CHÚNG TA, còn chương 6 dành trọn để nói về GIỌNG NÓI CỦA CON NGƯỜI. Ở chương 6 này, những ai đã từng học ngôn ngữ học đều không cảm thấy lạ lẫm, nhưng chắc phần đông đều bị thuyết phục bởi mục “Nghệ thuật ngôn điệu – giai điệu của giọng nói và cảm xúc”.

ÂM THANH VÀ HÌNH ẢNH là tên chương thứ 7, quen thuộc và thú vị với tất cả những ai làm điện ảnh, truyền hình. Tuy nhiên đây là một chương “ nền và móng” để người đọc hào hứng với chương 8 ÂM THANH VÀ CÂU CHUYỆN. Chỉ riêng với những ai học và làm truyền hình cũng như học và làm truyền thông đa phương tiện, chương sách này rất, rất quý giá: Từ phân tích câu chuyện đến sự phát triển của kịch tính, rồi thiết kế sản xuất và phân tích hình ảnh, và đặc biệt là các quy chuẩn về âm thanh.

Kết thúc cuốn sách là chương 9 TƯƠNG LAI CỦA THIẾT KẾ ÂM THANH, tại đây độc giả, nhất là những ai học và làm truyền thông, đều bất ngờ và bị cuốn hút bởi hơn hai trang cuối cùng về “Internet và phương tiện truyền thông tương tác”, ở đó ta thấy “sự khác biệt sâu xa nhất giữa phim và phương tiện truyền thông mới là tính tương tác – bước nhảy vĩ đại nhất được trải nghiệm bởi người sử dụng (chúng ta vẫn thường gọi là khán giả)…và nhà thiết kế âm thanh”.

Sự thực, cái gọi là cuối cùng của sách này nằm ở Phụ lục PHÂN LOẠI ÂM THANH. Xem và chỉ biết thốt lên rằng “quá tuyệt vời” và cũng tuyệt vời nếu người đọc nào ham tìm sách và nghiên cứu thì TÀI LIỆU THAM KHẢO mà Tác giả cấp theo từng mảng đã làm họ rất thoả mãn.

SOUND DESIGN (2001) của Tác giả DAVID SONNENSCHEIN được người dịch “tạo dáng” với cái tên GỌI TIẾNG CHO HÌNH, một tên sách, mà với riêng tôi, chưa có tên thứ hai thuyết phục và mê hoặc như thế trong làng sách về điện ảnh, truyền hình.

Sách do Nhà xuất bản Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản ấn bản Việt ngữ  năm 2011.

                                                                                                              Vũ Quang Hào

Call Now